Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Một bài thơ của Emily Dickinson


Emily Dickson  ( 1830- 1880 ) là một trong những nhà thơ lớn của nước Mỹ, bên cạnh những Walt Whiteman, Wallace Stevens, Robert Frost, T.S. Eliot … Nàng sống một cuộc đời ẩn dật, lúc sinh thời người ta thường biết đến nàng như là một người làm vườn hơn là một nhà thơ. Nàng làm thơ nhưng không thích ai biết đến. Tập thơ đầu tiên được ấn hành là bốn năm sau ngày nàng mất. Thơ nàng tập trung vào bốn chủ đề :  Tình Yêu, Thiên Nhiên, Cuộc Đời và Sự Chết. Emily để lại khoảng 1800 bài thơ, những bài thơ vô cùng hàm súc, kín đáo sâu xa, dùng nhiều hình ảnh táo bạo độc đáo, nhưng ngôn ngữ bao giờ cũng chính xác. Untermeyer, một nhà phê bình văn học Mỹ đã viết “ Mãi cho đến 40 năm sau khi mất, Emily Dickinson mới được công nhận như là một trong những nhà thơ Mỹ độc đáo nhất xét về một vài phương diện, và là nhà thơ nữ đáng chú ý nhất kể từ sau Sappho – nhà thơ nữ lẫy lừng của Hy Lạp cổ đại ”

Ở Việt Nam, tính cho đến thời điểm hiện tại, vẫn không có nhiều những bản dịch thơ của Emily Dickinson. Những dịch giả nổi tiếng như Đỗ Tư Nghĩa, Vũ Hoàng Linh  cũng chỉ giới thiệu khoảng 10 bài thơ dịch. Chúng tôi xin giới thiệu sau đây một bài thơ của Emily Dickinson , bài  Water, is taught by thrist  :

                            WATER, IS TAUGHT BY THIRST

           Water, is taught by thirst;
           Land - by the Oceans passed.
           Transport - by throe -
           Peace - by its battles told -
           Love, by Memorial Mold -
           Birds, by the Snow.



         Bản dịch của Vũ Hoàng Linh :
                          BIẾT QUÝ NƯỚC LÀ NHỜ CƠN KHÁT

          Biết quý nước là nhờ cơn khát
          Đất vô ngần khi vượt Biển bao la.
          Trải qua khổ đau mới thấu niềm Hạnh Phúc
          Hòa Bình quý giá sau những cuộc chiến tranh
          Tình Yêu chỉ thực khi đã thành Kỷ Niệm
          Và chỉ có những bông Tuyết
          Mới thấu hiểu những con Chim.

ĐÀM :
Như trên đã nói, thơ Emily Dickinson vô cùng hàm súc đến độ tối tăm khó hiểu, và bài thơ này như quý vị đã thấy đó chỉ gồm 6 câu và 26 từ, rất ngắn ngủi nhưng chuyển tải một khối lượng lớn những suy nghĩ về cuộc đời, về cái hiện có và cái đã mất, về những gắn bó vô hình giữa chúng. Tuy nhiên theo nhận định của tôi, so với những bài thơ khác của Emily Dickinson thì đây là bài thơ tương đối dễ hiểu nhất của nhà thơ. Vấn đề là rất khó để diễn dịch bài thơ này với một khối lượng ngôn từ tương tự như nguyên bản.Nhớ lại mấy chục năm trước lần đầu tiên được thầy Nguyễn Khắc Trừng giới thiệu bài này tôi đã thấy thích, đã lờ mờ thấy được cái sâu xa nhưng gần gũi của tứ thơ. Nhưng tôi đã không dịch. Và hôm nay giữa những ngày cuối năm, giữa một thời cuộc rối ren, giữa những khổ đau của đời này, giữa những dòng nước mắt trong lòng của bà mẹ quê , giữa những hoài niệm về lịch sử hào hung bất khuất của dân tộc … tôi bỗng thấy tỏa ra từ thơ của Emily Dickinson một nối kết an ủi vĩ đại. Và tôi đã có bản dịch một đêm, và khác với tất cả những bài tôi đã dịch, bài thơ này được dịch/ viết ra một mạch, không sửa lại, bởi e rằng nếu chỉn chu thì không còn cảm xúc.

BIẾT

Ta biết 
Nước trong cơn khát
Biết đất liền
giữa vạn dặm trùng dương
Biết cõi đi về
trong nỗi đau thương
Biết thuở thanh bình
giữa chiến tranh tàn khốc
Ta biết
Tình Yêu
khi mọi thứ đã là giấc mộng
Biết bóng chim về
ngày tuyết trắng mênh mông …

Emily Dickinson -HOÀNG ANH DŨNG dịch – 12/2012