Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Con trai con gái - Phần 3

Boys and Girls
Alice Munro
Nguyễn Đại Hoàng chuyển ngữ
 

Tôi quên chưa kể chuyện ăn của lũ cáo. Nhưng chiếc tạp dề còn lốm đốm những vệt máu mà cha tôi mặc, khiến tôi nhớ ra chuyện đó.

Lũ cáo còn được nuôi bằng thịt ngựa. Chuyện là, vào thời đó hầu hết nông dân vẫn còn dùng ngựa, và khi mà ở đâu đó có một con ngựa quá già hết không làm việc được, hoặc là bị què, hoặc là bỗng dưng quỵ xuống rồi không đứng lên được nữa, như vẫn thường thấy, thì người chủ sẽ gọi cho cha tôi, và ông sẽ cùng chú Henry lái một chiếc xe tải đến trang trại đó.

Thường thì cha tôi và chú Henry sẽ bắn chết và làm thịt con ngựa ngay tại chỗ, rồi trả cho nhà chủ từ 5 đến 12 đô la. Nhưng nếu ở nhà còn quá nhiều thịt, thì họ sẽ chở con ngựa sống về, đưa nó vào chuồng, nuôi thêm vài ngày hay vài tuần nữa, cho đến khi thực sự cần thịt cho cáo ăn. Ngoài ra, sau chiến tranh, nông dân mua máy kéo, và dần dần bán ngựa đi, vì chúng hầu như không còn công dụng gì nữa. Và nếu việc mua bán ngựa diễn ra trong mùa đông, chúng tôi sẽ lưu giữ chúng trong chuồng cho đến mùa xuân, bởi chúng tôi cũng có nhiều cỏ khô cho chúng ăn, và cũng bởi, nếu tuyết đổ nhiều - mà xe máy cày không phải lúc nào cũng đủ có thể dọn sạch đường sá - thì việc đi xuống thị trấn bằng xe ngựa kéo quả là tiện lợi.

Mùa đông năm tôi mười một tuổi thì nhà chúng tôi có hai con ngựa như thế. Chả biết chủ cũ đặt tên gì, nhưng chúng tôi cứ gọi chúng là Mack và Flora. Mack là một con ngựa già, không mấy thân thiện, đen bóng như mồ hóng, thuộc giống ngựa kéo. Còn Flora là một con ngựa cái, lông màu nâu đỏ, thuộc giống ngựa cưỡi.

Chúng tôi dùng cả hai con để kéo xe. Mack chậm chạp nhưng dễ khiển. Còn Flora ưa dở chứng, có khi nó nhảy chồm qua những chiếc xe hơi và cả những con ngựa khác nó gặp trên đường, nhưng chúng tôi kết tốc độ và bước sãi của nó, và chúng tôi cũng rất thích cái dáng dấp mạnh mẽ bạo liệt và phong trần của nó.

Thường thứ bảy chúng tôi xuống chuồng ngựa, và ngay khi chúng tôi mở cửa bước vào cái nơi tối tăm nóng bức và nồng nặc mùi ngựa đó thì con Flora hất đầu lên, mắt đảo qua đảo lại, hí lên một cách tuyệt vọng, lên cơn kích động ngay lập tức. Khi đó mà lò dò đi vào chỗ con Flora là không an toàn chút nào, không khéo sẽ bị nó đá, chết chắc!

Cũng trong mùa đông này, tôi bắt đầu phải nghe nhiều hơn về "chủ đề " mà hôm nọ mẹ tôi nhắc đến trong buổi trò chuyện trước nhà kho. Tôi thấy tôi không còn được yên ổn nữa rồi. Làm như đầu óc của mọi người trong cái nhà này đã ngấm ngầm một ý tưởng dứt khoát, không trệch hướng về chủ đề nói trên.

Cái từ "con gái", trước đây, đối với tôi, là ngây thơ, là hồn nhiên, chả có ẩn ý sâu xa gì cả, và cũng bình thường như từ "đứa trẻ" thôi. Nhưng giờ đây từ này có vẻ không còn giống như vậy nữa rồi.

Chẳng đơn giản như tôi vẫn nghĩ, hóa ra, "con gái"  không phải là những gì tôi hiện có, mà là những gì tôi phải trở thành! Đó là một định nghĩa luôn luôn được nói đến với sự nhấn mạnh, quở trách và thất vọng. Cũng có khi đó là một đề tài để châm chọc tôi.

Thí dụ có một lần tôi và Laird gây sự đánh nhau, và đây có lẽ là lần đầu tiên tôi phải dùng hết sức mình để chống lại nó, vậy mà chỉ trong nháy mắt, cái thằng quái ấy đã giữ chặt được tay tôi đau hết sức, và hết cục cựa. Thấy vậy, chú Henry cười chọc quê: "Rồi cũng có ngày thằng Laird cho nhỏ này biết tay mà, không lâu đâu!". Đúng là thằng Laird đang lớn nhanh thật. Nhưng mà tôi cũng đang lớn lên đấy thôi.

Rồi khi bà tôi tới ở chơi với chúng tôi vài tuần, tôi lại có dịp nghe bà ca cẩm những điều "khôn ngoan" khác nữa. "Con gái không dập cửa như thế! Con gái phải ngồi khép chân lại!". Càng tệ hơn khi tôi thắc mắc điều gì đó, thì câu trả lời sẽ là: "Không phải chuyện của mấy đứa con gái!". Nghe thế nhưng tôi vẫn tiếp tục vẫn dập cửa, vẫn tiếp tục ngồi thoải mái, và tôi cho là bằng vào thái độ phản kháng của tôi, tôi sẽ giữ được tự do cho riêng mình.

Khi mùa Xuân đến, những con ngựa được thả ra trước sân nhà kho. Con Mack đứng cọ cọ vào tường, tìm cách gãi cổ gãi hông, còn con Flora thì chạy nhảy tứ tung, đạp cả hàng rào, móng guốc gõ linh kinh lốc cốc trên đường.

Những tảng tuyết tan mau để lộ ra màu đất nâu xám, người ta lại nhìn thấy những hình thù  nhấp nhô quen thuộc của vườn tược đất đai, quang đảng và trơ trụi, sau một mùa đông khắc nghiệt.  Thật là một cảm giác khoáng đạt và giải thoát. Chúng tôi bỏ giày và mang dép cao su, để thấy đôi chân mình nhẹ tênh một cách lạ kỳ.

Rồi một thứ bảy khi chúng tôi ra chuồng ngựa, thì nhận ra một điều bất thường là mọi cánh cửa đều được mở ra, ánh nắng và khí trời thanh khiết ùa vào tràn ngập khắp nơi.

Chú Henry ở đó, chú đang ngó lướt qua những tập lịch chồng chất sau dãy chuồng ngựa, nơi có lẽ mẹ tôi chưa hề đặt chân tới lần nào.

"Này muốn nói lời tạm biệt với anh bạn già Mack không mấy nhóc?". Chú Henry nói. "Đây, cho nó chút yến mạch đi". Nói rồi chú đổ một ít yến mạch vào đôi bàn tay khum khum của Laird, và thằng bé chạy đi cho Mack ăn. Hàm răng của Mack đã quá rệu rã. Nó ăn rất chậm, nắm yến mạch cứ trệu trạo qua lại trong miệng, cố nhai mà không được. "Ôi Mack già nua tội nghiệp", chú Henry nói với giọng nghèn nghẹn. "Răng long coi như xong! Quy luật muôn đời là vậy!".

"Hôm nay bắn nó hả chú?". Tôi hỏi. Thì ra Mack và Flora đã lưu lại ở đây lâu đến nỗi tôi gần như không nhớ ra là trước sau gì chúng cũng sẽ bị bắn.

Chú Henry không trả lời tôi. Mà chú hát, một giọng hát cao cao, rung rung, buồn buồn, têu tếu. "Ôi thôi rồi chú Ned tội nghiệp ơi. Chú về nơi người da đen tốt bụng đã xa chơi ...". Con Mack vẫn khó nhọc thè chiếc lưỡi dày đen, thô ráp, nhặt từng hạt yến mạch trên tay Laird. Và tôi phải chạy ra ngoài trước khi bài hát sầu thảm đó chấm dứt, rồi tôi ngồi xuống doi đất cầu tàu.

Từ nhỏ tới giờ, tôi chưa bao giờ thấy cảnh bắn ngựa, nhưng có lẽ tôi biết chỗ họ bắn nó. Thì mới hè năm ngoái đây thôi, tôi và thằng Laird đã trông thấy một bộ ruột ngựa trước khi người ta đem chôn nó đi. Thoạt đầu tôi cứ ngỡ đó là một con rắn lớn màu đen, nằm cuộn mình trong ánh nắng. Chỗ đó thuộc khu vực cánh đồng dẫn đến nhà kho. Thành thử, nếu chúng tôi lẻn được vào trong nhà kho,thì qua một vết nứt hay lỗ khóa, chúng tôi có thể thấy cảnh bắn con ngựa. Thực ra tôi cũng ớn xem lắm, nhưng nếu trước sau gì cũng phải biết, thì xem ngay bây giờ cũng vậy thôi.

Cha tôi từ trên nhà cầm khẩu súng đi xuống.

"Này mấy con làm gì đây thế?" Ông hỏi.

"Dạ không có gì ạ!"

"Không có gì thì về nhà chơi đi!".

Cha tôi kêu thằng Laird ra khỏi chuồng ngựa. Tôi liền nói với nó. "Này mày có muốn thấy họ bắn con Mack không đấy?". Rồi không đợi nó trả lời, tôi dẫn nó vòng qua phía trước cửa nhà kho, khẻ mở cửa bước vào. "Im thin thít nhé, họ nghe thì chết đấy". Tôi thì thào với Laird. Tôi nghe tiếng cha tôi và chú Henry nói chuyện trong chuồng ngựa, hồi sau lại nghe tiếng bước chân kéo lê nặng nề của con Mack đang được dắt ra khỏi chuồng.

Cái xó nhà kho này  quả là tối và lạnh kinh khủng. Ánh mặt trời theo những khe hở lọt vào tạo thành những tia sáng thanh mảnh đan qua đan lại khắp nơi trong nhà kho. Đống cỏ khô bị trài ra thấp chủn. Nhìn ra ngoài, qua khe hở, chúng tôi thấy thấp thoáng bóng làng xóm, đồi cao và thung lũng. Cách đầu chúng tôi khoảng hơn một thước có một cây xà bắc qua hai bức vách. Thế là chúng tôi vun đống cỏ khô cho cao lên, đứng lên đó, rồi tôi đẩy cho Laird leo lên cây xà, xong kéo tôi lên luôn. Vì bề ngang cây xà không lớn lắm, nên chúng tôi phải vịn cả hai tay vào tường và nhích dần trên đó, vách nhà kho có khá nhiều khe hỗng, và tôi tìm được một khe hỗng có thể nhìn thấy một góc sân nhà kho, thấy cánh cổng, và thấy một phần của cánh đồng. Nhưng thằng Laird thì không tìm được. Vì vậy nó bắt đầu càu nhàu. Tôi bèn chỉ cho nó một khe nứt rộng giữa hai tấm ván. "Này im và đợi chứ. Họ nghe thì rắc rối to đấy!".

Đầu tiên chúng tôi thấy cha tôi cầm khẩu súng. Kế đến là thấy chú Henry dong con Mack theo sau. Chú buông lỏng dây cương để lấy giấy vấn và thuốc lá vụn, chú vấn hai điếu cho cha tôi và chú. Trong thời gian đó  thì con Mack cứ sục mõm vào trong đám cỏ héo úa dọc theo bờ rào. Rồi cha tôi mở cổng và họ dắt con Mack đi ra. Chú Henry dẫn con ngựa đi theo một đường mòn dẫn ra bãi đất trống, rồi họ trao đổi  gì đó với nhau, nhưng không nói lớn nên chúng tôi không nghe được.

Con Mack lại bắt đầu sục sạo tìm một miếng cỏ tươi, nhưng không thấy. Cha tôi bước lùi ra xa theo một đường thẳng đối diện con ngựa, và ông dừng lại ở một khoảng cách mà ông nghĩ là vừa tầm, còn chú Henry cũng bước ra xa con Mack, nhưng là bước qua một bên, tay vẫn cầm dây cương một cách lỏng lẻ chiếu lệ. Cha tôi nâng súng lên, và đúng lúc đó, tự nhiên con Mack cũng ngẩng đầu lên, dường như nó đã biết một điều gì đó sắp diễn ra, rồi cha tôi bóp cò.
   
Con Mack không đổ sụm ngay xuống,  mà còn lảo đảo, chuệnh choạng bên này, bên kia một lúc rồi mới quỵ hẳn. Đầu tiên là đổ sang một bên, rồi sau nằm chổng vó lên trời, cặp mắt như vô cùng ngạc nhiên sững sốt, bốn cái chân cứ chòi chòi vào không khí.

Lúc này bỗng dưng chú Henry lại cười sảng lên làm như con Mack đang diễn một trò gì thú vị cho chú xem vậy. Còn thằng Laird  nãy giờ nín thở theo dõi, đến khi phát súng vang lên, thì nó không còn chịu đựng được nữa, nó thở hắt ra, rồi bất chợt kêu lên: "Trời ơi nó chưa chết!". 

Mới đầu tôi cũng nghĩ Laird nói đúng. Nhưng rồi con Mack dần dần không còn chòi đạp nữa, nó ngoẹo sang một bên, da thịt, cơ bắp rùng rùng lên mấy cái rồi bất động. Hai người đàn ông tới gần nhìn con ngựa một cách bình thường, họ cúi xuống xem xét trán con ngựa nơi viên đạn xuyên qua, và bây giờ tôi mới kịp nhìn thấy máu con ngựa trào ra trên bãi cỏ nâu.

"Bây giờ họ sẽ xẻ thịt lột da nó đây", tôi nói. "Đi thôi Laird! ". Hai chân tôi hơi run run, và tôi cảm thấy mừng khi được nhảy phóc xuống đống cỏ khô. "Vậy là mày đã được thấy người ta bắn một con ngựa như thế nào rồi nhé ". Tôi nói như một lời chúc mừng thằng Laird, làm như tôi đã chứng kiến cảnh ấy nhiều lần rồi vậy. "Thôi tìm thử xem trong nhà kho này có mèo con không nghe Laird!". 

Rồi Laird cũng nhảy xuống. Lúc này trông nó lại có vẻ nhỏ bé và ngoan ngoản như  ngày còn nhỏ. Rồi đột nhiên tôi nhớ lại rằng, hồi nó còn nhỏ, tôi đã từng dắt nó tới nhà kho này, bảo nó trèo từng bậc thang để lên chính cái xà gỗ này. Dạo đó cũng là mùa Xuân như bây giờ, và đống cỏ khô cũng bị trài ra thấp chủn như bây giờ. Tôi làm vậy vì cần có một cảm giác gây sốc, muốn có một chuyện động trời nào đó xảy ra, để tôi có cái mà kể lại.

Lúc đó Laird mặc một cái áo khoác nhỏ kẻ sọc ca rô trắng nâu dày cộm, may cắt lại từ một cái áo cũ của tôi. Thằng bé đã lần mò từng bậc thang leo tuốt lên trên như lời tôi xúi bảo, và ngồi trên cái xà gỗ cách rất xa bên dưới, một bên là đống cỏ khô, còn một bên là sàn nhà kho và một vài cái máy cũ.

Xong tôi chạy ra ngoài và hô hoán lên. "Cha ơi thằng Laird trèo lên xà nhà này !". Cha tôi chạy hộc tốc vào, mẹ tôi cũng hộc tốc chạy vào, cha tôi trèo lên thang, nhẹ nhàng nói chuyện với Laird, rồi từ từ đỡ nó xuống, còn mẹ tôi thì chỉ biết dựa vào cây thang mà khóc. Cả hai đều quát mắng tôi:"Con kia, sao mày không coi chừng em?", nhưng ơn trời, chẳng ai biết sự thật. Còn thằng Laird thì quá nhỏ, có biết đầu cua tai nheo gì đâu.

Năm tháng có phôi phai, nhưng từ đó về sau, cứ khi nào nhìn thấy chiếc áo kẻ sọc ca rô ấy, lúc còn được treo trong tủ áo, hay khi đã thành mớ giẻ rách, thì lòng tôi vẫn trĩu nặng nỗi buồn về một tội lỗi không biết đến bao giờ mới được gột rửa ...

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Con trai con gái - Phần 2

Boys and Girls
Alice Munro
Nguyễn Đại Hoàng chuyển ngữ



Những câu chuyện tự kể của tôi đại khái là những câu chuyện như thế này:

Chuyện tôi cứu người thoát ra khỏi một tòa nhà bị đánh bom (nhưng điều làm tôi hơi lấn cấn là chiến tranh thực tế đã rời xa thị trấn Jubilee lâu lắm rồi!).

Chuyện tôi bắn hạ hai con sói hoang dại đang nhe nanh gầm gừ trong sân trường (trong khi mấy giáo viên khiếp đảm rúm ró nấp sau lưng tôi).

Hay là chuyện tôi phóng con tuấn mã hiên ngang giữa phố chính của thị trấn Jubilee, trong sự tung hô ca ngợi của người dân thị trấn về một số chiến tích không biết có nên gọi là anh hùng hay không nữa (dù rằng ngay cả việc dong ngựa đi qua thị trấn này cũng chưa từng thấy có ai, ngoại trừ King Billy trong cuộc diễu hành ngày lễ Oragenmen).

Trong những câu chuyện của tôi luôn luôn có cưỡi phi ngựa bắn súng, dù thực tế tôi chỉ mới có hai lần "ngồi trên lưng ngựa" mà thôi (nghĩa là chưa có thể gọi là cưỡi - ND)! Lần đầu thì có yên ngựa đâu mà cưỡi! Lần sau thì ngồi chưa yên chỗ tôi đã bị tuột ngay  xuống chân con ngựa, may là con vật này chỉ nhẹ nhàng bước qua tôi! Tôi cũng có đi học bắn đấy, nhưng mà bắn gì cũng trật lất, nói chi đến việc bắn rớt mấy hộp thiếc đặt trên cọc hàng rào!

Lúc sống, lũ cáo quanh quẩn trong thế giới do cha tôi tạo ra. Một thế giới có hàng rào cao bao bọc bốn bề, y như một thị trấn thời trung cổ, với độc một cánh cổng được khóa chặt vào ban đêm. Và dọc theo những con phố của "thị trấn" là những dãy chuồng xếp sát nhau, to lớn và chắc chắn. Mỗi chuồng đều có một cánh cửa để người nuôi ra vào, một cái xà ngang để lũ cáo trèo leo chạy nhảy, rồi đến một cái củi trông giống như cái rương quần áo, với những lỗ thông hơi - đấy chính là nơi lũ cáo trú Đông, và đẻ con.

Những cái dĩa đựng thức ăn và nước uống cho lũ cáo được gắn vào một sợi dây thép theo một cách nào đó để người ta có thể dọn dẹp chùi rửa từ bên ngoài. Dĩa thì được chế lại từ hộp thiếc cũ, còn củi, xà ngang thì tận dụng từ những mẩu gỗ đầu thừa đuôi thẹo nào đó. Nhưng mọi thứ đều hết sức chỉn chu, ngăn nắp, có lẽ bởi cha tôi là người thích chế tạo cái này cái kia, không hề biết chán, Chẳng thế mà cuốn sách gối đầu giường của ông lại là cuốn Robinson Crusoe! Chính ông đã nghĩ ra cách gắn chiếc thùng thiếc vào xe cút kít, để tiện việc chở nước tới khu chuồng.

Chở nước cũng là công việc của tôi trong mùa Xuân, khi mà lũ cáo cần được uống nước ngày hai lần. Một lần vào buổi sáng, trong khoảng từ chín đến mười giờ, và một lần sau bữa ăn tối. Khi đã hứng đầy thùng nước ở máy bơm, tôi đẩy chiếc xe đi qua sân đến khu chuồng thì dừng lại, đổ nước vào từng cái lon dọc theo những lối đi trong khu chuồng.

Laird  cũng đi với tôi, khệ nệ với cái bình tưới nho nhỏ màu xanh nhạt, được đổ quá đầy nước, nên mỗi bước đi, cái bình lại va vào chân nó làm nước trào ra ướt cả đôi giày vải. Tôi thì có cái bình tưới "xịn", cái bình mà cha tôi vẫn dùng, nhưng chỉ có thể xách được ba phần tư bình thôi.

Tất cả những con cáo đều có tên, được in trên một tấm thiếc treo cạnh cửa chuồng. Thực ra, hồi mới sinh, chúng chưa có tên ngay, mà phải đợi đến sau khi chúng còn sống sót qua kỳ thay lông năm đầu tiên, và được chọn bổ sung vào nhóm cáo giống, thì người ta mới đặt tên cho chúng. Những cái tên mà cha tôi hay đặt là Prince, Bob, Wally và Betty.

Tôi thì hay đặt những cái tên Star, Turk, Maureen hay Diana. Còn thằng Laird thì đặt Maude - theo tên một cô làm thuê cho nhà chúng tôi hồi nó còn nhỏ - hoặc là Harold - theo tên một đứa bạn học cùng trường với nó - nó còn đặt một cái tên khác nữa là Mexico, nhưng không nói lý do.

Nhưng đặt tên cho lũ cáo không có nghĩa là xem chúng là thú cưng, hay bất cứ thứ gì gần giống như thế. Thú cưng làm sao được, khi mà ngoài cha tôi ra, thì chả có ai dám bước vào chuồng cáo bao giờ, và chính ông cũng từng bị chúng cắn bị thương hai ba lần rồi.

Mỗi khi tôi chở nước tới khu trại, lũ cáo cứ chộn rộn, chạy lên, chạy xuống trên những lối mòn do chúng tạo ra trong chuồng, nhưng rất ít khi nghe chúng sủa - mà chúng đợi đến đêm, có khi cả bầy cùng tru lên một điệp khúc điên cuồng ảo não - và một điều nữa là chúng luôn quan sát, dè chừng tôi, với những cặp mắt màu vàng thau sáng quắc, trên những khuôn mặt nhọn hoắt hận thù.

Phải nói là lũ cáo trông rất đẹp, với những đôi chân thon gọn, những cái đuôi dài nặng quý phái, và những bộ lông màu sáng pha lẫn một chút tối trên lưng - chính là điều làm nên danh tiếng của loài vật này - nhưng đặc biệt là cặp mắt màu vàng thau, và khuôn mặt của chúng nữa, luôn bộc lộ hết sức rõ ràng một thái độ thù địch dữ dội.

Ngoài việc đem nước cho lũ cáo, tôi còn phụ cha tôi dọn mấy thứ cỏ dại, rau muối, bông bụp gì đấy, mọc đầy xung quanh khu trại. Cha tôi cắt cỏ bằng lưỡi hái, còn tôi cào chúng lại thành từng đống. Rồi ông dùng  chĩa ba hất những đám cỏ vừa cắt lên nóc chuồng vừa làm mát chuồng, vừa tạo bóng râm che cho những bộ lông cáo trắng khỏi bị chuyển thành nâu sậm khi phải phơi nắng quá nhiều.

Gần như cha tôi chẳng chuyện trò gì với tôi, trừ những khi cần trao đổi về công việc mà cha và tôi cùng làm. Về điểm này thì ông khác hẳn mẹ tôi, bởi khi nào mẹ tôi vui, bà lại kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện, về tên của con chó bà nuôi lúc nhỏ, về danh tánh của mấy tên con trai hò hẹn khi bà vừa lớn lên, rồi về những bộ áo váy trông đẹp như thế nào, rồi băn khoăn không biết cảnh cũ, người xưa bây giờ ra sao.

Cha tôi nghĩ gì, làm gì hầu như là chuyện riêng của ông, tôi chả bao giờ dám hỏi một câu vì quá nhút nhát, e ngại. Tuy vậy, trong mắt cha tôi, tôi nghĩ chắc cũng có ít nhiều hãnh diện, vì tôi luôn luôn làm việc hết sức quyết tâm hăng hái. Chẳng vậy mà trong một lần có người bán thức ăn gia súc xuống khu trại để giao dịch với cha tôi, cha nói: "Xin giới thiệu kia là trợ thủ mới của tôi ". Nghe vậy, tôi quay qua chỗ khác, cào cỏ quyết liệt hơn bao giờ hết, mặt đỏ bừng bừng mà lòng vui rộn rã.

Vậy mà cái tay bán hàng ấy lại nói như thế này:

" Ấy, đừng đùa tôi chứ! Nó là con gái mà!".

Khi vụ cắt cỏ vừa xong thì dường như thời điểm cuối năm cũng đã tới sát một bên. Lúc chiều tà, tôi bước đi trên những đám cỏ còn trơ gốc, cảm nhận sắc đỏ úa của bầu trời, trong cái lặng lẽ của một mùa thu đang tới. Và khi tôi đẩy chiếc xe chở nước ra khỏi cổng, khóa lại, thì trời đã tối hẳn. Cũng một đêm như thế này, tôi thấy mẹ tôi và cha tôi đang đứng nói chuyện với nhau trên doi đất nhỏ - mà chúng tôi gọi vui là cầu tàu - ngay trước nhà kho. Lúc đó, cha tôi mới từ chỗ pha thịt bước ra, tay xách một xô thịt vừa cắt, và tạp dề còn lốm đốm những vệt máu khô đặc quánh.

Tôi thấy việc mẹ tôi tới khu chuồng là một điều lạ. Bởi bà ít khi bước chân ra khỏi nhà trừkhi phải làm một việc gì đó - như ra ngoài để phơi phóng quần áo, hoặc ra vườn để đào khoai tây. Bà đứng đó, trông khá khá lạ lẫm, với đôi chân trần nổi đầy gân xanh, không hề cớm nắng, và chiếc tạp dề bị ẩm ướt từ lúc bà chuẩn bị bữa tối vẫn còn choàng quanh bụng bà.

Tóc bà vấn trong chiếc khăn, với một vài lọn lọt ra ngoài. Mỗi sáng bà vẫn thường vấn tóc lên như vậy, và ca cẩm rằng bà không có thời gian để vấn cho kỹ hơn, rồi cả ngày bà vẫn để nguyên như vậy. Và quả thực là bà không có thời gian.

Những ngày đó, sau nhà chúng tôi chất đầy những giỏ đào, nho, lê mua ở thị trấn, còn cây nhà lá vườn thì có cà chua, hành, và dưa chuột, tất cả đang chờ được chế biến thành các dạng nước quả, thạch, mứt, ướp muối, ngâm dấm, hay trộn tương ớt. Nhà bếp đỏ lửa suốt ngày, và nào lọ, nào bình cứ chạm nhau kêu lanh canh lách cách trong nồi nước sôi ngùn ngụt, đôi khi còn thấy một túi vải dài nặng, đựng nước và bã nho xanh, được treo vào một thanh ngang, thòng xuống giữa hai chiếc ghế, để chiết kiệt hết nước nho, đem cô thành nước quả.

Tôi cũng được giao việc ngồi vào bàn lột vỏ đào đã chần nước nóng, hay là thái hành tây, khiến mắt mũi cứ cay sè, và ràn rụa những nước mắt. Thành thử khi việc vừa xong, tôi lập tức lỉnh ra khỏi nhà, cố chạy xa thật xa để không còn nghe tiếng ới ời gì nữa, trước khi mẹ tôi kịp nghĩ ra việc gì đó để giao cho tôi làm tiếp ( ! ).

Tôi không ưa nỗi cái nhà bếp tối tăm nóng nực trong mùa hè, mấy cái rèm cửa màu xanh, mấy miếng giấy bẫy ruồi, chiếc bàn cũ kỹ phủ khăn  bàn dính đầy dầu mỡ, tấm gương dài gợn sóng, và tấm vải dầu phồng rộp loang lỗ.

Mẹ tôi đã quá mệt mõi và ưu tư nên bà chả trò chuyện với tôi, và cũng chẳng còn tâm trí đâu mà kể về lễ hội khiêu vũ trong ngày tốt nghiệp trường Sư Phạm năm nào của bà, mồ hôi chảy thành giòng trên mặt bà, do bà phải kiểm tra đốc thúc việc vàn đến không kịp thở, chỉ trỏ mấy chảo mứt chỗ này, đổ thêm mấy cốc đường chỗ kia. Đối với tôi, công việc bếp núc nội trợ dường như là vô tận, chán ngán, và tầm thường kinh khủng, chẳng bù với công việc ngoài trời của cha tôi mới oai nghi to tát làm sao!

Khi tôi đang lui cui đẩy chiếc xe chở nước vô nhà kho để cất, tôi nghe thấy tiếng mẹ tôi: "Đợi Laird lớn chút nữa ông ạ, đến lúc đó thì ông có trợ thủ chính hiệu thôi mà!".

Tôi không nghe được cha tôi nói gì. Nhưng tôi thấy mừng vì cái cách mà ông đứng nghe mẹ tôi nói, hết sức đàng hoàng lịch sự, y như lúc ông phải tiếp bạn hàng hay tiếp khách, dù ông không dấu được cái dáng vẻ bồn chồn muốn trở lại ngay với công việc đang làm dở. Tôi thấy mẹ tôi chả có việc gì ở đây, và hy vọng cha tôi cũng nghĩ vậy.

Nhưng mà ...mẹ tôi nhắc tới thằng Laird là có ý gì nhỉ? Nó giúp được gì cho ai đâu! Ừ mà cái thằng quái này đang ở đâu? Hẳn là nó đang chơi xích đu đến chán chê mòn mõi, đang vòng vo quanh quẩn đâu đó, hay là đang cố bắt mấy con sâu bướm cũng không biết chừng. Chẳng khi nào nó chịu ngồi yên chờ tôi xong việc cả.

"Và tôi cũng được đỡ dần một tay chứ  ... ". Tôi nghe tiếng mẹ tôi nói. Cái cách mà bà nói về tôi với vẻ phiền muộn trách móc làm tôi thấy khó chịu kinh khủng. "Đấy ông xem, tôi vừa mới quay lưng có một chút là nó biến đi liền. Làm như trong cái gia đình này tôi chẳng có đứa con gái nào sất! ".

Tôi tới ngồi trên một bao thức ăn gia súc, ở một góc nhà kho, tôi chả muốn gặp ai khi cuộc nói chuyện chưa kết thúc. Mẹ tôi, trong suy nghĩ của tôi, là không thể tin được (!). Đồng ý là bà thân ái hơn cha tôi, và cũng dễ chia sẻ hơn cha tôi, nhưng làm sao mà có thể đặt hết niềm tin vào bà được, bởi lý do thực sự của những điều bà nói và những điều bà làm thì có trời mới biết!

Bà thương tôi, hẳn là vậy rồi, nếu không thì làm sao mà bà có thể ngồi thâu đêm để may cho tôi một chiếc váy cầu kỳ kiểu cách, để tôi mặc trong ngày khai trường được, nhưng nói của đáng tội, bà cũng không khác kẻ thù của tôi là mấy! Dường như bà luôn có những mưu mô toan tính gì đó. Có lẽ là toan tính bắt tôi ở trong nhà nhiều hơn - dù bà biết tôi không thích điều đó, hay là bởi vì bà biết tôi không thích điều đó nên bà làm vậy cũng nên!- để ngăn không cho tôi làm việc cùng cha tôi nữa.

Tôi nghĩ điều đó có lẽ xuất phát từ tính bảo thủ cố hữu của bà, hay cũng có thể là do bà muốn thể hiện quyền hành của bà trong cái nhà này. Vậy thôi chứ không có chuyện cô đơn hay ganh tị gì ở đây đâu. Người lớn ai lại thế! Mọi sự an bài hết rồi mà! Vậy là tôi cứ ngồi lì trong đó, hai gót chân đung đưa đá đá mãi vào một bao thức ăn gia súc, mặc cho bụi bay mù mịt, đợi cho đến khi mẹ tôi không còn ở đó nữa.

Nhưng nói gì thì nói, tôi không tin là cha tôi lại quan tâm đến những điều mẹ tôi nói. Có ai mà tưởng tượng được rằng cái thằng Laird lại có thể làm thay công việc của tôi kia chứ? Tin rằng nó nhớ khóa cửa chuồng à? Tin rằng nó biết cách kỳ cọ các dĩa đựng nước bằng cái que cột lá cây à? Hay là tin cả cái việc nó có thể đẩy chiếc xe chở nước mà không bị đổ nhào à? Những điều mẹ tôi nói chỉ cho thấy một điều, bà hầu như mù tịt về công việc thực sự ở trại nuôi cáo này!

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Con trai con gái - Phần 1

Boys and Girls
Alice Munro
Nguyễn Đại Hoàng chuyển ngữ

Dẫn :  
1. Boys and Girls  là một truyện ngắn  xuất bản cách đây gần 50 năm (1968 ), của nhà văn nữ người Canada, Alice Munro - người vừa đoạt giải Nobel Văn Chương hồi tháng 10 vừa qua. Và cũng như phần lớn truyện ngắn khác của bà, Alice Munro đã xây dựng Boys and Girls  với rất ít nhân vật và tình tiết. Tuy nhiên điều đó không hề làm giảm đi sức cuốn hút của câu chuyện. Mà có thể là ngược lại.

Nữ văn sĩ Alice Munro được trao giải Nobel văn chương 2013

Boys and Girls được viết dưới dạng một câu chuyện kể. Người kể  chuyện là một cô gái không được tác giả đặt tên, và cô cũng là nhân vật chính của câu chuyện. Đó là câu chuyện kể về sự phản kháng của một cô gái trẻ trong một xã hội phân biệt giới tính, cộng thêm những khuôn mẫu truyền thống khắc nghiệt mà nữ giới phải theo. 

Câu chuyện lấy bối cảnh năm 1940, trong một trại nuôi cáo, ngoại vi thị trấn Jubilee, Ontario, Canada.  Đó là thời kỳ mà phụ nữ chỉ được xem như một công dân hạng hai, nhưng người dẫn chuyện không chấp nhận vị trí này, và mầm móng đấu tranh của cô  đã manh nha ngay từ hồi còn ở trang trại nuôi cáo của gia đình.

Sự sáng tạo lớn nhất - chưa nói đếu yếu tố  bút pháp, văn phong - của Munro là  việc mô tả một cách tinh tế và cực kỳ sinh động về sự kém cạnh  yếu thế  bị mặc định bởi xã hội và gia đình của nhân vật chính so với em trai của cô, người có tên là Laird, một từ đồng nghĩa với từ  " God " - tức Chúa Tể. Cái tên này được Munro đưa ra một cách có chủ đích, với ngầm ý rằng từ ngay lúc sinh ra, đứa bé trai đã tự nhiên được coi như vượt trội cô chị của mình rồi. 

Người cha trong câu chuyện là một nông dân nuôi cáo, rồi đến mùa thu hay  đầu mùa đông ông giết chúng, lột da đem bán cho các hãng buôn lông thú. Một công việc đáng sợ chỉ dành cho nam giới. Vậy mà cô gái lại rất yêu thích công việc của cha mình.Và cô đã giúp ông rất đắc lực và nhiệt tình. Dù rằng : Gần như cha tôi chẳng chuyện trò gì với tôi, trừ những khi cần trao đổi về công việc mà cha và tôi cùng làm. Nhưng cô cũng nhận ra tín hiệu tốt từ phía người cha :..... Tuy vậy, trong mắt cha tôi, tôi nghĩ chắc cũng ít nhiều hãnh diện, vì tôi đã luôn làm việc hết sức quyết tâm hăng hái.  

Kết quả là cô trở nên chán ghét công việc bếp núc, nghĩa là, phần nào đó, làm bà mẹ khó chịu, và hụt hẫng. Cô diễn tả công việc nhà bếp là vô tận, và coi công việc ngoài trời của cha là oai nghi to tát. Những tâm tư tình cảm, những bức xúc, những ước vọng của cô gái - nhân vật chính - đã không chỉ là của một cô gái, mà có thể là của nữ giới nói chung. 

Nhân vật chính của câu chuyện bắt đầu nhận ra quan điểm xã hội của thời cô khi cha cô giới thiệu cô với người bán hàng,  ông  đã giới thiệu cô là  " người trợ thủ mới ".  Cô vui mừng đến đỏ cả mặt. Thế nhưng cô rất buồn khi người bán hàng nói rằng " Ấy, đừng đùa tôi chứ ! Nó là con gái mà !". Và đó không chỉ là  nhận định của một cá nhân đơn độc, mà còn là đánh giá công khai của cả một xã hội về nữ giới. Một sự khinh miệt có tính chất bản năng và tập tục.

Rồi những lời nhắc nhở, bảo ban thường xuyên của mẹ, của người bà làm cô thấy tình hình không còn yên ổn nữa. Nhưng cô vẫn giữ những thói quen tự do cũ. Nói cách khác , cô không sẵn sàng để chấp nhận sự đánh giá thấp bản sắc giới tính của cô. Cô muốn khẳng định sức mạnh của chính cô - một cô gái.

Trong Boy and Girls, người kể chuyện cũng không phải là người duy nhất có liên quan đến vấn bản sắc giới tính. Laird, em trai của cô cũng đang mong muốn, và được mong muốn là có thể thực hiện những công việc của đàn ông. 

Người kể chuyện đã nnghe trộm được điều mà mẹ cô nói với cha cô. " Đợi Laird lớn thêm ít nữa ông ạ, đến lúc đó thì ông có trợ thủ chính hiệu thôi mà ! ". Và " Và chuyện bếp núc nhà cửa thì tôi cũng được nhờ nhiều hơn chứ ...

Câu nói trên thể hiện nguyện vọng thầm kín của gia đình cô vào Laird để nối nghiêp cha.  Còn câu nói dưới thể hiện tư tưởng phải khép nữ giới vào công việc của cái gọi là " công việc của đàn bà con gái ".  Cô thấy rõ  sự khác biệt đó  và sự ganh tỵ của cô đã  ngày càng lớn dần để biến thành sự phản kháng. 

Cô đã từng xúi Laird - hồi còn nhỏ - leo lên thang cao, ngồi trên xà nhà, vô cùng nguy hiểm. Cô tin rằng thằng em sẽ bị la, Thế nhưng cuối cùng chính cô lại bị trách mắng. Điều này nhấn mạnh tính tiêu chuẩn, hoặc là sự phân biệt rõ nét  giữa hai giới tính trong gia đình và trong xã hội. 

Việc khẳng định tính cách, cũng được thể hiện qua câu chuyện hằng đêm của người kể chuyện. Cô cùng ngủ một phòng với đứa em trai, và khi nó ngủ rồi, cô kể lại những câu chuyện của mình. Trong những câu chuyện này, cô tưởng tượng mình là một anh hùng, táo bạo và dũng cảm, và ai cũng ngưỡng mộ tung hô mình. Những câu chuyện này đại diện cho lớp phụ nữ mong muốn trở nên mạnh mẽ và độc lập, thế nhưng đó là điều hoàn toàn trái ngược với khuôn mẫu " con gái " mà gia đình cô mong muốn cô trở nên như thế.

Một ví dụ khác  cho sự đấu tranh của nhân vật chính về tính cách, là câu chuyện về con ngựa Flora. Khi sắp bị bắn thì con ngựa vùng chạy được. Người kể chuyện ở ngay cổng và người ta đã gào thét cô đóng cửa lại. Chuyện đó quá dễ dàng, nhưng cô lại cố tình để cho con ngựa chạy thoát. Sự giúp đỡ của người kể chuyện đối với Flora đã thể hiện quan điểm về tự do.Cô đã chống lại cha cô, nghĩa là cô chọn bản sắc của mình- độc lập và không phục tùng. 

Khi  được Laird tiết lộ chính cô con gái của mình đã mở cổng, người cha sau cơn kinh ngạc cũng chỉ thốt lên  : " Không có chuyện gì đâu, vì nó là con gái mà ! ".  

Nhưng chính cô gái cũng dần dần mất đi niềm hứng thú với công việc của cha mình, cô bắt đầu chấp nhận giới tính của mình, bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới vẻ ngoài của mình, trang trí căn phòng của mình. Và những câu chuyện tự kể hằng đêm bây giờ tập trung nói đến nhan sắc, ngoại hình và các chàng trai, hơn là những nhân vật anh hùng, hàng động anh hùng mà cô đã hóa thân vào trong những câu chuyện tự kể trước đây.

" Một cô gái không đơn giản chỉ là những gì tôi hiện có, mà là những gì tôi phải trở thành ". Lời tuyên bố đơn giản này của người kể chuyện đồng thời cũng tổng kết ý chính trong Boys and Girls - tìm kiếm và chấp nhận bản sắc. 

Một cái kết để lại thật nhiều suy nghĩ. Một cái kết nhưng không kết. Nó chỉ là một cái kết như bao nhiêu cái kết tạm thời của đời người, của phận con trai, con gái trong cái thế giới không phải là thế giới của Munro " một thế giới theo hình dung của tôi, hiện hữu nhiều cơ hội cho sự dũng cảm, mạnh mẽ và hy sinh, những điều không hề có trong thế giới tôi sống hôm nay ".

2.  Alice Munro được vinh danh như là  " một trong các nhà văn đương thời về văn học " , hay là " bậc thầy về truyện ngắn hiện đại ", hoặc như Cynthia Ozick đã nói " Tchekhov của chúng ta ", và nhận định chung của giới văn học là bà có những " truyện ngắn cảm động dễ hiểu "...., những điều đó dễ dẫn đến hiểu nhầm, về mặt dịch thuật, là dễ dịch

Tôi đã chứng nghiệm được sự hiểu nhầm đó trên chính tôi khi thử đọc và dịch một số truyện ngắn của bà. Tôi chỉ có thể nói rằng, truyện của bà vừa dễ hiểu vừa dễ dịch, nhưng cũng vừa không dễ hiểu, không dễ dịch. Nó có một sự tương đồng, hoặc là một sự hòa hợp nào đó giữa giọng văn của Hồ Biểu Chánh và Nguyễn Hiến Lê  ( ! ). Một lối dẫn chuyện khi thì thô mộc cứng rắn, khi thì tinh tế, diễn cảm lạ thường. 

Có rất ít nhân vật, rất ít chi tiết trong hầu hết truyện ngắn của bà, và đó là một rào cản không nhỏ cho người đọc khi cố gắng nhìn vào đằng sau số tính cách, và cả số phận nữa của con người, cũng như nhìn sâu vào bên trong những sự việc rời rạc, tưởng như chẳng dính dáng gì với nhau, nhưng hóa ra lại liên kết với nhau rất chặt chẽ, theo nhiều hướng, nhiều tầng và có thể là nhiều nghĩa khác nhau nữa. 

Mặt khác  là lối văn kể chuyện nên sự sắp xếp, bố trí không gian, thời gian, hành động, lời nói,... của người kể chuyện - cũng là tác giả - đôi khi khá tùy hứng, hoặc là có thể bỏ qua tất cả để đi theo mạch chuyện. Phát triển mạch chuyện đối với người dẫn chuyện là điều quan trọng nhất. Nắm bắt được mạch chuyện một cách vừa chặt chẽ vừa buông lơi như vậy đã làm nên sự cuốn hút, đọc là không bỏ xuống được trong các truyện ngắn của Alice Munro. 

 Biết là vậy, với bản dịch truyện ngắn Boys and Girls dưới đây, dịch giả cũng chỉ mong nối tiếp được cái phong thái nhẹ nhàng uyển chuyển kể của người dẫn chuyện. Truyện của Alice Munro không hề dễ dịch, dù  có thể dễ hiểu.  

Điều đó cũng khá giống với văn nghiệp của bà : viết truyện ngắn nhưng không ngắn, viết những điều bình thường nhưng không bình thường . Và rồi một ngày chúng ta nghe tin bà nhận giải Nobel 2013.  Người ta đã không nhận ra bà, hay là nhận ra bà quá muộn?  

Có ai đã nhận ra Boys and Girls từ gần 50 trước không ? Có thể có nhiều, có thể có ít, nhưng có một điều chắc chắn là các bạn đang cầm trên tay một bản dịch của truyện ngắn đó. Hãy thử xem, đọc xong các bạn có nhận ra Alice Munro không ? Đó là câu hỏi và cũng là câu trả lời của chính các bạn. Và tất nhiên là của chính tôi nữa. Trân trọng.

NĐH
6/2008 / viết lại 11/2013 
---------------------------------------------------------------------------------------------
Con trai con gái  ( phần 1 )
Alice Munro

Cha tôi từng là một người nuôi cáo.

Ông nuôi những con cáo xám bạc trong chuồng, rồi mùa Thu hay đầu mùa Đông, khi lông cáo vừa dày đẹp, ông giết chúng, lột những bộ da lông sống bán cho nhà Hudson's Bay, hay nhà Montreal Fur Traders.

Hai công ty này tặng chúng tôi những tờ lịch phong cảnh, mà chúng tôi treo hai bên cánh cửa nhà bếp - một nơi khá tương phản với cảnh tượng hùng vĩ của bầu trời thẫm xanh lạnh lẽo, những rừng thông mờ tối, những con sông phương Bắc kỳ bí, những cuộc thám hiểm sinh thái, với những lá cờ Anh, cờ Pháp được cắm xuống, và những người phu lực lưỡng đang còng lưng khuân vác.

Vài tuần trước lễ giáng sinh, sau bữa ăn tối, cha tôi làm việc ở tầng hầm, đó là một căn  phòng nhỏ quét vôi trắng, có một ngọn đèn trăm watt  chiếu sáng . Và trên đầu cầu thang dẫn xuống tầng hầm những đêm như thế, tôi và Laird - em trai tôi - vẫn thường ngồi chăm chú xem cha làm việc. Ông lôi ngược bộ da ra khỏi con vật- mà giờ đây, ngạc nhiên thay, đã trở nên tầm thường nhỏ bé như một con chuột, sau khi bị lấy đi bộ lông dày mượt đầy kiêu hãnh. Những xác cáo trần trụi, trơn tuột đó được gom vào một bao tải đem vứt trong đống rác.

Có lần, chú Henry Bailey, người làm công cho cha tôi, ném vào tôi một bao tải như vậy và la lên : "Quà Giáng Sinh nè ! ". Nhưng mẹ tôi thấy cái trò đó khá vô duyên. Nói thực ra thì bà chẳng ưa công việc lột da thú chút nào-  toàn là giết mỗ, lột da và xử lý lông thú- tất nhiên bà luôn cầu mong cái công việc đáng sợ ấy không diễn ra trong nhà bà nữa.

Khổ nhất là chuyện mùi. Sau khi tấm da được căng ra trên tấm phản dài, cha tôi còn phải tỉ mỉ kỳ cọ, nạo vét để loại cho bằng hết những cục máu đông, hay những giọt mỡ còn bám lại. Mùi mỡ mùi máu quyện vào nhau tạo nên cái mùi hăng hắc của loài chồn cáo, cứ như là thấm sâu vào mọi ngõ ngách của ngôi nhà. Nhưng tôi lại cho đó là cái mùi của mùa vụ, cũng bình thường như mùi tùng bách, hay mùi cam quýt vậy thôi.

Chú Henry viêm phế quản mãn. Chú thường có những cơn ho giật cục, ho cho đến khi khuôn mặt dài dài ốm ốm của chú đỏ ửng cả lên, và cặp mắt xanh, luôn ánh lên vẻ giễu cợt, ràn rụa những nước mắt; thế rồi chú nhấc cái nắp bếp lò lên, hơi ngã người lấy đà, rồi khạc vào đó một cục đàm đúng ngay vào giữa đám lửa, xèo một tiếng rõ to, làm chúng tôi phục lăn. Hay là cái trò làm dạ dày sôi réo lên theo ý muốn, và cả giọng cười nữa, cứ rít re rít re như huýt sáo, hoặc  đùng đục khùng khục như suối đổ, chắc là đều do căn bệnh đường hô hấp của chú mà ra. Nhiều khi chúng tôi cũng chả hiểu chú cười cái gì nữa,  không chừng chú đang cười chính chúng tôi cũng nên !

Cho tới tận bây giờ, chúng tôi như vẫn còn nghe thấy mùi của những con cáo, và cả giọng cười của chú Henry nữa, những điều đó làm chúng tôi luôn nhớ về một thế giới dưới chân cầu thang sáng đèn, an toàn, và ấm áp, một thế giới dường như đã thu nhỏ và tiêu biến mất rồi, hoặc là đang bềnh bồng trôi nổi đâu đó ở những tầng trên rệu rã rét mướt.

Những đêm mùa Đông, chúng tôi thấy sợ kinh khủng. Không phải sợ khung cảnh bên ngoài, dù trong năm, đây là thời điểm có nhiều tảng tuyết to tướng bao quanh nhà chúng tôi, trông như những con cá voi đang ngủ; không phải sợ cái điệp khúc rỉ rả thê lương rờn rợn của lũ côn trùng; cũng không phải sợ những cơn gió chướng thổi về từ đầm lầy băng giá, hay bãi tha ma hoang lạnh. Mà chao ôi, chúng tôi sợ vì phải ở trong nhà, ngay chính trong căn phòng chúng tôi ngủ !

Vào thời đó, tầng trên ngôi nhà của chúng tôi vẫn chưa xây xong. Một ống khói bằng gạch thô tháp nhô khỏi bức tường. Giữa sàn nhà là một lỗ hỗng hình vuông to tướng, có khung gỗ bao quanh, đó là chỗ dự kiến xây cầu thang. Ở về một bên của chiếc cầu thang dự kiến đó, là nơi chứa toàn những thứ không ai cần tới nữa - một cuộn vải dầu của quân đội dựng đứng trong cùng, một khung xe ngựa làm bằng gỗ cây liễu gai, một giỏ dương xỉ, vài cái bình và chậu sứ bị nứt, một bức tranh về chiến tuyến Balaclava, một quang cảnh trông thật hắt hiu buồn thảm.

Tôi đã kể với Laird, ngay khi nó vừa đủ lớn để hiểu những điều tôi nói, rằng luôn có những con dơi gớm ghiếc và những bộ xương người ma quái lẫn khuất đó đây, và bất cứ khi nào có một tên tù nào đào thoát khỏi một nhà tù địa phương cách đó hai mươi dặm, thì tôi lại tưởng tượng là, bằng cách nào đó, y đã lẻn được vào nhà qua ngã cửa sổ, và đang ẩn nấp đằng sau cuộn vải dầu.  Tuy nhiên, chúng tôi cũng rút ra được những " bí quyết ", hay những " kinh nghiệm " để đảm bảo an toàn cho chính chúng tôi !

Đại khái là, chừng nào đèn còn sáng thì chúng tôi còn bình an vô sự, miễn là đừng bước ra khỏi tấm thảm vuông trải sàn, khoảng không gian giới hạn khu vực phòng ngủ của chúng tôi; nhưng khi đèn đã tắt thì chẳng còn nơi nào có thể gọi là an toàn được nữa, ngoại trừ chính những chiếc giường chúng tôi nằm. Vì vậy, mỗi khi tắt đèn, tôi phải lom khom ở cuối giường, vươn tay ra hết cỡ để giật sợi giây công tắc.

Và khi bóng tối bao trùm, thì mỗi đứa chúng tôi đều đã an vị trên giường mình - tức là trên chiếc bè cứu sinh thu nhỏ của chúng tôi - nhưng mắt chúng tôi không làm sao mà rời khỏi được quầng sáng lờ mờ hắt lên từ phía lỗ hỗng sẽ làm cầu thang, rồi chúng tôi hát lên cho đỡ sợ. Gần như lúc nào thằng Laird cũng hát bài " Jingle Bells", bất kể có là Giáng Sinh hay không, còn tôi thì hát bài " Danny Boy ".

Tôi thích nghe giọng hát của chính mình, vang lên trong đêm tối, dù chỉ là một chất giọng mỏng manh, nghe có chút van nài cầu khẩn. Chúng tôi tưởng tượng ra đủ thứ hình thù cổ quái lênh khênh buốt giá đi qua bên khung cửa sổ âm u nhợt nhạt. Và nhiều khi hát đến đoạn "Người sẽ quỳ xuống và nói lời Ave trên thân xác tôi ...", thì không phải là tấm chăn lạnh giá, mà những cảm xúc bâng khuâng mơ hồ nào đó đã khiến tôi phải nghẹn lời. Lời Ave là lời gì nhỉ ? Lần nào cũng thắc mắc, nhưng rồi lần nào tôi cũng chẳng nhớ việc phải tìm câu trả lời cho câu hỏi đó !

Laird nghêu ngao hát một hồi rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay, và tôi có thể nghe thấy tiếng khò khò đều đặn kéo dài đầy mãn nguyện của nó. Giờ thì chỉ còn lại mình tôi, thời gian riêng tư tuyệt nhất của tôi, thời gian tuyệt nhất trong ngày của tôi, và tôi cuộn mình thật chặt trong chăn, miên man với những câu chuyện mà hàng đêm tôi vẫn thường tự kể cho mình nghe.

Đó là những câu chuyện về tôi, nói đúng hơn là về tôi, khi tôi đã lớn khôn hơn chút nữa, những câu chuyện xảy ra trong một thế giới, theo hình dung của tôi, hiện hữu nhiều cơ hội cho sự dũng cảm, mạnh mẽ và hy sinh - những điều không hề có trong thế giới tôi sống hôm nay.