Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Một bài thơ của Emily Dickinson


Emily Dickson  ( 1830- 1880 ) là một trong những nhà thơ lớn của nước Mỹ, bên cạnh những Walt Whiteman, Wallace Stevens, Robert Frost, T.S. Eliot … Nàng sống một cuộc đời ẩn dật, lúc sinh thời người ta thường biết đến nàng như là một người làm vườn hơn là một nhà thơ. Nàng làm thơ nhưng không thích ai biết đến. Tập thơ đầu tiên được ấn hành là bốn năm sau ngày nàng mất. Thơ nàng tập trung vào bốn chủ đề :  Tình Yêu, Thiên Nhiên, Cuộc Đời và Sự Chết. Emily để lại khoảng 1800 bài thơ, những bài thơ vô cùng hàm súc, kín đáo sâu xa, dùng nhiều hình ảnh táo bạo độc đáo, nhưng ngôn ngữ bao giờ cũng chính xác. Untermeyer, một nhà phê bình văn học Mỹ đã viết “ Mãi cho đến 40 năm sau khi mất, Emily Dickinson mới được công nhận như là một trong những nhà thơ Mỹ độc đáo nhất xét về một vài phương diện, và là nhà thơ nữ đáng chú ý nhất kể từ sau Sappho – nhà thơ nữ lẫy lừng của Hy Lạp cổ đại ”

Ở Việt Nam, tính cho đến thời điểm hiện tại, vẫn không có nhiều những bản dịch thơ của Emily Dickinson. Những dịch giả nổi tiếng như Đỗ Tư Nghĩa, Vũ Hoàng Linh  cũng chỉ giới thiệu khoảng 10 bài thơ dịch. Chúng tôi xin giới thiệu sau đây một bài thơ của Emily Dickinson , bài  Water, is taught by thrist  :

                            WATER, IS TAUGHT BY THIRST

           Water, is taught by thirst;
           Land - by the Oceans passed.
           Transport - by throe -
           Peace - by its battles told -
           Love, by Memorial Mold -
           Birds, by the Snow.



         Bản dịch của Vũ Hoàng Linh :
                          BIẾT QUÝ NƯỚC LÀ NHỜ CƠN KHÁT

          Biết quý nước là nhờ cơn khát
          Đất vô ngần khi vượt Biển bao la.
          Trải qua khổ đau mới thấu niềm Hạnh Phúc
          Hòa Bình quý giá sau những cuộc chiến tranh
          Tình Yêu chỉ thực khi đã thành Kỷ Niệm
          Và chỉ có những bông Tuyết
          Mới thấu hiểu những con Chim.

ĐÀM :
Như trên đã nói, thơ Emily Dickinson vô cùng hàm súc đến độ tối tăm khó hiểu, và bài thơ này như quý vị đã thấy đó chỉ gồm 6 câu và 26 từ, rất ngắn ngủi nhưng chuyển tải một khối lượng lớn những suy nghĩ về cuộc đời, về cái hiện có và cái đã mất, về những gắn bó vô hình giữa chúng. Tuy nhiên theo nhận định của tôi, so với những bài thơ khác của Emily Dickinson thì đây là bài thơ tương đối dễ hiểu nhất của nhà thơ. Vấn đề là rất khó để diễn dịch bài thơ này với một khối lượng ngôn từ tương tự như nguyên bản.Nhớ lại mấy chục năm trước lần đầu tiên được thầy Nguyễn Khắc Trừng giới thiệu bài này tôi đã thấy thích, đã lờ mờ thấy được cái sâu xa nhưng gần gũi của tứ thơ. Nhưng tôi đã không dịch. Và hôm nay giữa những ngày cuối năm, giữa một thời cuộc rối ren, giữa những khổ đau của đời này, giữa những dòng nước mắt trong lòng của bà mẹ quê , giữa những hoài niệm về lịch sử hào hung bất khuất của dân tộc … tôi bỗng thấy tỏa ra từ thơ của Emily Dickinson một nối kết an ủi vĩ đại. Và tôi đã có bản dịch một đêm, và khác với tất cả những bài tôi đã dịch, bài thơ này được dịch/ viết ra một mạch, không sửa lại, bởi e rằng nếu chỉn chu thì không còn cảm xúc.

BIẾT

Ta biết 
Nước trong cơn khát
Biết đất liền
giữa vạn dặm trùng dương
Biết cõi đi về
trong nỗi đau thương
Biết thuở thanh bình
giữa chiến tranh tàn khốc
Ta biết
Tình Yêu
khi mọi thứ đã là giấc mộng
Biết bóng chim về
ngày tuyết trắng mênh mông …

Emily Dickinson -HOÀNG ANH DŨNG dịch – 12/2012

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Lịch sử Bài Thơ TÌM LẠI NƠI ĐÂU

Lịch sử Bài Thơ TÌM LẠI NƠI ĐÂU

Một ngày mấy năm trước bỗng nhiên bọn chúng tôi gặp lại nhau sau hàng mấy chục năm trời xa cách. Tóc hoa râm và lòng cũng hoa râm. Nụ cười nhẹ mà trái tim không nhẹ. Có mấy đứa bên bọn con gái mắt đỏ hoe, tôi nhìn lại bên này: hóa ra bên bọn con trai lại khóc ra cả nước mắt. Tụi nó khóc thật. Còn bọn con gái chắc là khóc bần bật trong lòng. Thế hệ ngày xa xưa sao mà tình nghĩa và yêu thương nhau quá chừng!
 
 
Tụi tôi kéo nhau về nhà Khôi vì nhà bạn ấy ở trong vườn (tiếng Nam Bộ có nghĩa là ở miền quê, miệt vườn) cách thị xã khoảng 15km, rộng rãi, thoáng đãng mà lại có sẵn đồ ăn, đồ nhắm tuyệt vời. Đi xe lớn của tôi thuê.

Ăn uống vừa xong thì trăng lên. Cả bọn thống nhất ở chơi thêm đến nửa đêm sẽ về lại thị xã. Ở thôn quê mới thấy trăng vàng và mát biết đến chừng nào. Vũ Duy Hoàng - ở Pháp về - ra xe lấy cây đàn Guitar rất mới và rất đẹp. Ngày xưa chúng tôi cũng thường nghe bạn ấy chơi Classic. Hoàng chơi Romance và Mi Favourita rồi khóc không đàn tiếp được nữa. Thế là tự nhiên tôi lại phải ôm lấy cây đàn để bắt đầu một chương trình văn ca hát. Có một đặc điểm là thế hệ ngày xưa dường như ai cũng biết đàn hát hết.

Tôi đệm cho các bạn ấy ca hết bài này đến bài khác, không ai từ chối hết. Và lạ một điều là ai cũng ca dường như hay hơn bình thường đến mấy lần. Trong đám bạn của tôi bây giờ, hồi xưa yêu thầm nhớ trộm nhau nhiều lắm, nhưng tình lỡ, duyên không thành, có lẽ vậy nên bài nào bài nấy nghe truyền cảm, xúc động lạ thường. Mắt ai cũng ướt. Hàng xóm kéo nhau qua nghe rần rần. Mà vỗ tay có khi còn hơn ở rạp lớn.
 
 
À mà quên, tôi cũng cảm thấy tôi chưa bao giờ có khả năng đàn và đệm đàn như đêm đó cả! Chưa bao giờ! Báo hại mấy tay bạn ngày xưa còn chỉ dạy tôi mấy ngón đàn phải mắt tròn mắt dẹt nghe tôi vuốt mướt rượt! Tôi chắc là đêm ấy ai đàn chứ không phải tôi! Nhỏ Bích Thủy nói nhỏ (mà ai cũng nghe thấy): Ngày xưa mà ông đàn hay như vầy là tui đâu có lấy ông Nghĩa! Nghe có một chút sự thật! Bởi hồi đó thằng Nghĩa xí trai nhất khối Đệ Tam, nhưng ngón đàn ném vào loại Quỷ Kiến Sầu, nên con Bích Thủy thương luôn. Bích Thủy cũng cỡ hoa khôi trường huyện, cực kỳ đẹp, ai cũng mê.

Tôi cũng thấy thích lắm. Nhưng mà nhỏ đó luôn kêu tôi bằng cưng! (Tôi thua nó 2 tuổi – mà tôi cũng dám “thương” với ý nghĩ nhất gái hơn hai – nhì trai hơn một!) Tụi nó ca đủ loại nhạc, tân nhạc, cổ nhạc, nhạc trước giải phóng,nhạc sau giải phóng. Tôi có trí nhớ khá tốt nên nhớ hết nhan đề tụi nó hát. Cũ như Đêm Tàn Bến Ngự, Nửa Đêm Ngoài Phố, Tưởng Rằng Đã Quên, Nửa Hồn Thương Đau…, mới thì như Không Còn Mùa Thu, Nhớ Nhịp Cầu Tre, Mưa Bong Bóng …

Sau cùng tụi nó đề nghị tôi kết thúc chương trình văn nghệ, làm sao cho hay, cho có ý nghĩa, rồi còn về vì bấy giờ đã quá nửa đêm. Tôi xin phép vào nhà lấy giấy ra hý hoáy ghi chép một chút rồi ra, cầm tờ giấy đó lên, trên đó tôi viết một bài thơ 28 giòng, mỗi giòng 4 chữ, tôi ngâm lên, lúc đó các bạn mới biết bài thơ được tôi làm ra từ tựa đề của hơn chục bài hát mà các bạn ấy đã hát tự nãy giờ. Hoan hô dữ. Nếu chỉ như thế thì hay quá rồi, đằng này cao hứng tôi còn làm cho tất cả ngạc nhiên khi nói rằng đó còn là một bài thơ có thể ca được. Thần khẩu hại xác phàm! (Đúng ra tôi định về nhà sẽ viết nhạc). Thế là cả bọn nằng nặc bắt tôi ca cho được. Khán giả trong làng cũng rần rần yêu cầu. Cuối cùng cũng phải ca. Ca đại.

Ấy thế mà sao đêm đó tôi có cảm giác mình lại ca rất truyền cảm, đặc biệt là phần kết: nửa đêm ngoài phố ….………… nửa hồn thương đau …. Tìm lại nơi đâu …. tìm mãi thương nhau …. Tìm mãi thương nhau ….. tìm mãi thương nhau ….

Sau đêm đó chúng tôi lại xa nhau cho đến bây giờ. Tôi sẽ không bao giờ quên khung cảnh sum họp đó. Tôi đã chép lại Bài Thơ làm từ nhan đề của các bản nhạc, để tặng các bạn đọc, như sẽ giới thiệu dưới đây.
Còn phần nhạc tôi không bao giờ có thể ghi lại được HỒN NHẠC mà tôi đã trình bày đêm đó. Không thể hay như đêm đó. Cũng là một nỗi phiền muộn. Bởi vậy chắc hôm nào tôi phải gặp lão nhạc sư Vương Đằng nhờ ký âm giúp.

Trong đời mỗi các bạn chắc là cũng có những phút chốc “thăng hoa” hay “xuất thần” như thế. Phải chi mà xuất thần được hoài hoài, thì cuộc đời chắc là sẽ tươi đẹp hơn nhiều. Mong thay!

Hoàng Anh Dũng
14 tháng 6 năm 2012



TÌM LẠI NƠI ĐÂU

Không còn mùa thu
Trăng rơi bên thềm
Tưởng rằng đã quên
Thuyền tình trên sóng
Ngày tháng phiêu bồng
Ngày xưa Hoàng Thị
Ngày đá đơm bông
Ngày em sang ngang
Đêm giáng sinh buồn
Đêm tàn Bến Ngự
Đêm nghe tiếng mưa
Đêm nằm mưa phố
Mưa đêm tỉnh nhỏ
Mưa bong bóng vỡ
Mưa nhớ mưa xưa
Mưa trên biển vắng
Nhớ thương ngày tháng
Nhớ nhịp cầu tre
Nhớ bà mẹ quê
Nhớ mùa hoa tím
Một thuở yêu đàn
Một lần dang dở
Nửa đêm ngoài phố
Nửa hồn thương đau
Tìm lại nơi đâu
Tìm mãi thương nhau
Tìm mãi thương nhau
Tìm mãi thương nhau …..

Hoàng Anh Dũng
tháng 6/2008

VICTOR HUGO & BÀI THƠ NỔI TIẾNG VỀ CON GÁI

VICTOR HUGO 

&
BÀI THƠ NỔI TIẾNG VỀ CON GÁI


Victor Hugo sinh ngày 26 tháng 2, 1802 tại Besançon. Mất ngày 22 tháng 5, 1885 tại Paris. Ông là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch lớn của nước Pháp và thế giới. Các tác phẩm của ông rất đa dạng bao gồm tiểu thuyết, thơ, kịch, các diễn văn chính trị,... Cuốn Người cùng khổ (Les Misérables) và Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris) là hai tác phẩm tiêu biểu nhất của ông. Victor Hugo có một con gái đầu lòng tên Leopoldiné, mà ông rất yêu quý. Khi Leopoldiné vu quy, ông có làm một bài thơ cảm động tặng con.

Đám cưới chưa được bao lâu thì Leopoldiné qua đời trong một tai nạn đi thuyền trên sông. Ngôi mộ trên một ngọn đồi nhìn xuống sông Seine.

Victor Hugo không sao nguôi ngoai được nỗi buồn, ông cảm thấy như con gái còn hiện hữu, gọi ông, đợi ông... Ông hẹn sẽ đến thăm con.

Và niềm khắc khoải đớn đau đó được thể hiện qua Demain, dès l’auble, một bài thơ ông làm năm 1847, 4 năm sau ngày Leopoldiné mất.


Nguyên tác như sau:
 
Demain, dès l'aube, à l'heure où blanchit la campagne,Je partirai. Vois-tu, je sais que tu m'attends.
J'irai par la forêt, j'irai par la montagne.
Je ne puis demeurer loin de toi plus longtemps.

Sans rien voir au dehors, sans entendre aucun bruit,
Seul, inconnu, le dos courbé, les mains croisées,
Triste, et le jour pour moi sera comme la nuit.
Ni les voiles au loin descendant vers Harfleur,

Et quand j'arriverai, je mettrai sur ta tombe
Un bouquet de houx vert et de bruyère en fleur.

Đây là một bài thơ thuộc vào loại nổi tiếng nhất của Victor Hugo trên phạm vi toàn thế giới. Ở Việt Nam, bài thơ nói trên cũng có khá nhiều bản dịch. Xin giới thiệu sau đây một số bản dịch tương đối phổ biến nhất: 


Bản dịch nghĩa của Sóng Việt Đàm Giang:
Ngày Mai, Từ Rạng Đông 

Ngày mai, từ rạng đông lúc trời đồng quê bắt đầu sáng 
Cha sẽ đi, Con thấy không cha biết con đang chờ cha 
Cha sẽ vượt qua rừng, cha sẽ vượt qua núi. 
Cha không thể nào xa cách con lâu dài hơn được nữa 

Cha sẽ đi, đôi mắt chăm chú vào suy nghĩ của cha 
Chẳng hề màng nhìn chung quanh, không màng nghe một tiếng động 
Một mình, không ai biết, lưng còng, hai bàn tay đan nhau 
Sầu buồn, và ngày đối với cha cũng tựa như đêm thôi. 

Cha sẽ không màng nhìn chiều vàng đang đổ xuống, 
Hay những cánh buồm xa đằng phía cảng Harfleur, 
Và khi cha đến nơi, cha sẽ đặt trên mộ của con 
Một bó hoa có ô-rô xanh cùng thạch thảo đang nở.
 


Một bản dịch chưa rõ tác giả:
NGÀY MAI, LÚC RẠNG ĐÔNG

Cha sẽ đi- phương trời - con có biết? 
Sáng mai đây khi sương sớm giăng mờ, 
Cha sẽ qua bao núi đồi - con biền biệt, 
Chẳng thể nào chờ lâu nữa... con thơ!

Chân cha bước, lòng chìm sâu suy tưởng, 
Mắt không nhìn, tai cũng chẳng nghe đâu, 
Tay nắm chặt, vai cỏi còm - pho tượng 
Lòng trĩu buồn, ngày chìm xuống đêm sâu... 

Cha nhắm mắt, xua chiều vàng trước mặt, 
Cả những cánh buồm đang lượn phía Harfleur 
Khi cha đến bên con - vòng hoa trên mộ vắng 
Ô-rô, thạch thảo này - hoang đắng cõi lòng cha!... 


Bản dịch thơ của Tôn Thất Phú Sỹ:
SÁNG SỚM NGÀY MAI 

Ngày mai khi mặt trời vừa ló dạng
Tia nắng hồng nhuộm trắng cả đồng quê
Ba sẽ đi... băng qua rừng qua núi
Và bên kia , con vẫn đợi ba về
 
Chân rão bước mà hồn nghe đau nhói
Mắt mơ hồ nhìn hình bóng con thơ
Nỗi cô đơn trong khắc khoải từng giờ
Vòng tay rộng ôm cho tròn nỗi nhớ
 
Lòng mơ hồ theo nắng chiều rơi rụng
Cánh buồm xa thấm mệt gió muôn phương
Ôm mộ con thơm mùi hoa thạch thảo
Giọt nước mắt buồn rơi xuống Đại Dương
 

Bình luận ngắn:
Bài thơ nói trên cũng như bao bài thơ nước ngoài khác, hoàn toàn không dễ dịch. Kể từ khi tôi biết về Victor Hugo thì tôi cũng biết luôn bài thơ nổi tiếng Demain, dès l’auble của ông. Nghĩa là cũng mấy chục năm qua rồi. Và tôi cũng thử dịch đôi ba lần nhưng đều thất bại. Tôi tự thấy là mấy bản dịch đó của tôi nghe kỳ kỳ -  nếu hiểu theo tiếng miền Tây Nam Bộ thì có lẽ từ đó tương đương với… dở!


Nhưng bản dịch gần đây nhất vào khoảng tháng 6 năm 2002 thì có đôi chút khác. Đó gần như là một câu chuyện. Một thân hữu được tôi chia sẻ bài thơ cùng bản dịch đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện như vầy:


“Số là tôi có một người bạn, tướng tá trông oai vệ, đẹp trai, cằm bạnh, râu quai nón, nghĩa là manly hết chỗ nói. Nhưng lạ thay hắn chỉ có con gái, không chỉ một mà tới bốn đứa con gái! Bị bạn bè trêu ghẹo mãi, hắn đâm quạu. Hắn đâm ra ghét bỏ mấy đứa con gái của mình. Hắn thường to tiếng, thậm chí xỉ vả mấy đứa con tội nghiệp của mình vì những lý do chẳng ra sao. Hắn buồn phiền tới mức ngay cả khi mấy đứa con bệnh, hắn cũng bỏ đi nhậu với bạn bè, để mặc vợ hắn tự xoay xở. Một hôm, sau một chầu nhậu sương sương ở đâu đó, hắn tới nhà tôi chơi, gặp khi tôi vừa đọc xong bản dịch bài thơ Demain, dès l’auble của anh tặng, còn để trên bàn, trong khi chờ tôi pha bình trà nóng, hắn cầm lên xem rất lâu, rồi vùng ứa nước mắt, đứng lên không kịp nói gì với tôi, không nói một lời từ giã, hắn ra về, để mặc tôi đứng ngẩn ngơ với làn khói Honda còn vương lại. Ít lâu sau đó tôi nghe vợ hắn kể chuyện: lạ lắm anh ạ, giờ đây tự nhiên “ảnh” đã biết thương mấy đứa con, mà thương vô cùng … Phải chăng cái nhà ông Victor Hugo với bài thơ về cô con gái bạc mệnh Leopoldiné đã làm thay đổi cả tâm hồn và tư tưởng của hắn rồi? Anh nghĩ có đúng không? Còn tôi, tôi nghĩ chắc là vậy. Và về sau mấy lần tôi gặp hắn cùng mấy “tiểu thư” tay trong tay, tươi rói, đi siêu thị, hỏi hắn, nhưng thằng cha ấy chỉ cười cười không nói...”


  Tôi thấy vui, nhưng cũng chỉ dám nghĩ là một sự trùng hợp ly kỳ nào đó, hoặc là mình gặp may thôi. Và thành thử, bài thơ dịch chưa bao giờ được phổ biến ra ngoài - ngoài vài ba thân hữu. Nhưng  hôm kia khi đọc bài Why Vietnam needs its baby girls? nói về xu hướng trọng nam khinh nữ ở Việt Nam đăng trên báo AV, tôi thấy mình cũng nên giới thiệu bài dịch của mình, biết đâu trong muôn một, bài dịch đó cũng có thể tác động đến một vài đấng nam nhi có hoàn cảnh như của người bạn của thân hữu nói trên của tôi! Bản dịch đó như sau:

 

MAI SỚM BÌNH MINH   

Con gái!
Sớm mai đây khi bình minh vừa ló dạng
chốn đợi chờ cha sẽ đến thăm con 
mấy cánh rừng rồi mấy dặm núi non
cha qua hết bởi không xa con lâu hơn được.

Cha cất bước đắm chìm trong suy tưởng
không nghe cùng không thấy gì hơn
ngày và đêm thăm thẳm nỗi cô đơn
lưng chừng nặng tay đan niềm đau đớn     

Rồi chập choạng trong bóng chiều đang xuống
những cánh buồm hoang vắng Harfleur
trên mộ con cha đặt cánh hoa xưa
thạch thảo tím ô rô xanh
đầy nước mắt… 

HOÀNG ANH DŨNG dịch
06/2002

Thơ Ngô Tịnh Yên

Lục bát vô ngôn


Khoảnh khắc dự cảm diệu kỳ

bay sau cánh cửa em về vô ngôn

một ngày nhớ túy phù dung

gối tình ân sủng mê cung rượu buồn

cổ mộ tình ốc mượn hồn

trăm dâu cứ đổ đầu tằm giả say

loay hoay duyên đã cạn rồi

gánh thơ qua những chợ đời tiêu diêu

nghe chừng tâm sự bọt bèo

lòng tôi ai chẻ tín điều lửa rơm

một khi trái khổ qua quên …

đoạn huyền những khúc buồn đêm xuân tình

cho tôi mượn đỡ trái tim

xưng tội với tình gọi tiếng yêu ơi! 
 
Hoàng Anh Dũng
Tranh: Eliza Ngo

Tự Do YÊN

im ngã xuống sau những lần bị đạp

Thơ bay lên từ những mảnh hóa vàng 


Ngô Tịnh Yên

 

KIM DUNG & NGÔ TỊNH YÊN

- HOÀNG ANH DŨNG -
 
Thuở đó, Duy Sơn Lão Nhân – thầy tôi – không quan tâm lắm đến Lý Tiểu Long, ngôi sao phim võ thuật đang làm mưa làm gió cả thế giới – mà chỉ quan tâm đến những nhân vật trong các bộ kiếm hiệp của Kim Dung. Thầy thường kể cho tôi nghe về những triều đại phế hưng, những vị anh hùng hiệp khách, những mối tình éo le và những pho võ công tuyệt đỉnh.
 
Bởi vậy trong tuổi thơ của tôi, tôi luôn hóa thân mình là một Trương Vô Kỵ đa tình trong Cô Gái Đồ Long, hay một Lệnh Hồ Xung phong sương trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Thuở đó, tôi luôn mơ tới một quận chúa Triệu Minh, hay một nàng Nhậm Doanh Doanh con gái của Giáo Chủ Ma Giáo Nhậm Ngã Hành.
Nhưng nàng ni cô Nghi Lâm học trò của Duyệt Tuyệt Sư Thái mới là một nhân vật đặc biệt làm tôi cảm động vì tình yêu thầm lặng với Lệnh Hồ Xung. Thuở đó tôi yêu nàng Nghi Lâm nhất! Tôi từng thầm nghĩ nếu mình là Lệnh Hồ Xung sẽ xin Nhậm Doanh Doanh cho cưới thêm… ni cô Nghi Lâm! Tôi đem chuyện này kể cho nhỏ Bích Thủy nghe, nó nói tôi là kẻ… háo sắc! Nhỏ nói yêu Nghi Lâm thì đi làm Hòa Thượng đi! Một cuộc tình duyên kinh với kệ. Phảng phất giống mối tình giữa một khách thập phương với chú tiểu Mộc (giả nam trang) trong Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng. Nhưng chỉ là phảng phất thôi! Mãi tới mấy chục năm sau tôi mới tìm thấy sự sẻ chia của Ngô Tịnh Yên trong mấy câu thơ sương khói:  

Khoảnh khắc đời như có như không
Em thành mõ gõ lời kinh tình ái 


 
Thuở đó, một vị thầy khác của tôi – một vị sư trẻ – nghe tôi kể hấp dẫn quá, cũng đâm ra mê ni cô Nghi Lâm xinh đẹp, cũng nhờ tôi thuê về mấy bộ Kim Dung để đọc. Vị thầy này suýt nữa bị sư trụ trì đuổi khỏi chùa vì trở thành chuyên gia ngủ gật trong giờ công phu mỗi đêm lúc 3g sáng! Nghe nói bị mấy chú tiểu đi méc sư phụ! Bẳng đi mấy chục năm, một hôm tình cờ gặp nhau quán bên đường, thầy nói: Tau về tục lâu rồi mi ạ, mà chẳng tìm đâu ra một ni cô Nghi Lâm như mi nói cả! (Ơ hay! Tôi có nói hồi nào đâu, cái nhà ông Kim Dung tả cô Nghi Lâm đấy chứ!)
Thầy tôi – Duy Sơn Lão Nhân – đã ra người thiên cổ lâu rồi. Còn tôi trên trần thế bao la này, mỗi lần về ngang mộ thầy, chập choạng trong bóng hoàng hôn, tôi tưởng như vẫn nghe thấy thầy kể về Lệnh Hồ Xung và ni cô Nghi Lâm.


Thời gian qua đi, tôi ngồi đây, chiều nay tự hỏi: Nghi Lâm ngày xưa giờ ra sao nhỉ?
Bỗng dưng lại nhớ đến những vần thơ cô liêu tuyệt tác cũng của NTY:


lặng lẽ hát trong cây
lũ dế mèn rung dây đàn cổ
lúc chợt nghe lại ca khúc cũ
những tình khúc của một đời thương nhớ
người yêu... có thể là một mảnh sao cựa mình trong vũ trụ
dấu lặng bất ngờ của một mùa hạ chưa xa
khoảnh khắc đời như một sát na
em nở đóa vô vi tận duyên kiếp 


 
Ngày xưa khi Kim Dung viết Tiếu Ngạo Giang Hồ, phải chi ông làm được những câu thơ như NTY thì hay biết mấy! Bởi đó là những câu thơ gợi lên và chia sẻ lòng can đảm trong tình yêu, trong cuộc đời. Cuộc đời của rất nhiều người thuở đó đã không sầu muộn.
Vị sư trẻ ngày xưa của tôi thuở đó đã không sầu muộn. Nhỏ BT của tôi thuở đó đã không sầu muộn, đã không lấy thằng N. (vì thương thầm nhau nhưng gặp nhau sao chỉ nói đến Nghi Lâm!). Nghi Lâm là ai nhỉ? Đâu bóng? Đâu hình? Hay bóng chính là hình? Hay hình chính là bóng? Chuyện xưa, giờ biết ra thì đã muộn. Một kiếp mưa rừng.
Biết đến khi nào nở đóa vô vi, nhưng tôi sẽ nhớ nhỏ Nghi Lâm tận kiếp! 

HOÀNG ANH DŨNG
Cuối Thu 2012
  
NI CÔ NGHI LÂM



 Nghi Lâm (儀琳, Yi Lin) là một ni cô tu hành, đệ tử của Duyệt Tuyệt Sư Thái phái Hằng Sơn, dáng vẻ rất kiều diễm. Cô là người tạo ra một mối tình câm lặng đặc biệt với nhân vật chính là Lệnh Hồ Xung. Trong một lần xuống núi Hành Sơn, Nghi Lâm bị Điền Bá Quang bắt cóc. Khi Điền Bá Quang mang Nghi Lâm vào hang núi thì Lệnh Hồ Xung xuất hiện, xả thân mình cứu cô. Sau tai nạn này, Nghi Lâm đã thầm yêu Lệnh Hồ Đại Ca, thậm chí còn khóc vì ghen khi nghe Lệnh Hồ Xung kể về mối tình với tiểu sư muội Nhạc Linh San! Nghi Lâm đã tương tư Lệnh Hồ Xung đến mức héo hon sầu muộn, nhưng lại luôn cầu chúc cho tình yêu của người sư huynh này. Nghi Lâm không chỉ yêu mà còn tỏ ra là một người thấu hiểu nỗi lòng, bản tính và ước muốn của Lệnh Hồ Xung. Đồng thời cũng là người luôn ủng hộ, tin tưởng mọi hành động, ứng xử của Lệnh Hồ Xung. Ngay cả khi Lệnh Hồ Xung bị Nhạc Bất Quần vu oan, mang tiếng xấu ở khắp bạn hữu giang hồ thì cô vẫn luôn tin vào người sư huynh trong sáng này, và luôn cầu Bồ Tát phù hộ cho chàng. Nghi Lâm còn dành cho Lệnh Hồ Xung một sự quan tâm thầm lặng như một người vợ luôn dõi theo từng bước chân của chồng mình. 

Đoạn mô tả cuộc tỷ đấu đoạt chức Minh chủ Ngũ Nhạc Kiếm Phái thể hiện rất rõ mối quan tâm thầm lặng này của Nghi Lâm: "Lúc này trên đỉnh núi Tung Sơn mấy ngàn người đều chăm chú theo dõi cuộc tỷ võ trên Phong Thiền Đài. Duy chỉ có đôi mắt của Nghi Lâm là trước sau vẫn dán chặt vào Lệnh Hồ Xung ngoài ra nàng chẳng quan tâm đến chuyện chi hết". Sau này, khi biết về tình yêu giữa Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh, cô cũng vẫn hết lòng ủng hộ họ dù trong lòng đầy đau khổ. Khi Lệnh Hồ Xung trở thành chưởng môn phái Hằng Sơn – tức là môn phái mà Nghi Lâm đang tu tập – thì nàng ni cô sầu muộn này lại càng bị lún sâu vào tương tư trong mối tình câm lặng không thể nói lên lời. Cô đã đêm đêm tâm sự với Á Bà Bà (người đàn bà câm điếc) quét chùa trên chùa Huyền Không về mối tình của cô, về những ước mong cho Lệnh Hồ Xung. Mối tình của Nghi Lâm là mối tình một chiều không cầu Lệnh Hồ Xung đáp lại, chỉ mong những điều tốt đẹp sẽ đến với người mình yêu. Những mong muốn của Nghi Lâm luôn hướng trực tiếp vào Lệnh Hồ Xung. 

Cầu mong những điều tốt đẹp đến với chàng, mong chàng một đời tiêu dao nhàn nhã, không bị điều gì ràng buộc và ngay khi chàng kết hôn với Nhậm Doanh Doanh rồi, Nghi Lâm vẫn mong Doanh Doanh đừng câu thúc Lệnh Hồ Xung. Đem tâm lý người thường xem xét tình yêu của Nghi Lâm thì không ai hiểu được. Như Nghi Lâm đã từng tâm sự với Á bà bà: "Gia gia không hiểu lòng tiểu ni! Các vị sư tỷ Nghi Hòa, Nghi Thanh cũng đều không hiểu lòng tiểu ni!". Đoạn cuối truyện, Nghi Lâm đã nói với Á Bà Bà về tình yêu của mình: "Bà bà ơi! Bà bà không hiểu lòng dạ tiểu ni. Hễ Lệnh Hồ Đại Ca được sung sướng là tiểu ni vui lòng rồi!” Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Tôn Nhan cảm khái rằng:
Chuông khuya dẫn mối sầu vềGiọt buồn ai để rơi nhòe trang kinh 
Ghi chú : Trong chuyển thể điện ảnh thì Hà Mỹ Điền là diễn viên thể hiện rõ nhất tính cách của Nghi Lâm, cùng với Lữ Tụng Hiền vai Lệnh Hồ Xung – trong phim Tiếu Ngạo Giang Hồ - bản 1996.

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

TỰA THƠ CŨNG LÀ NGƯỜI

Phiếm đàm

TỰA THƠ CŨNG LÀ NGƯỜI?

Trần Mộng Tú – Trần Phước An- Tưởng Dung – Kiên Giang qua các tựa thơ, tựa bài
Tôi nhớ năm xưa, thầy tôi là Duy Sơn Lão Sư, trong một buổi trà, đã dạy tôi rằng: không chỉ Thơ là người, mà ngay mỗi câu thơ cũng là người. Lão Sư còn nói thêm: ngay cả Tựa Thơ cũng là người. Tôi cho là người chỉ nói cho vui.

Mấy chục năm đã trôi qua. Thầy tôi đã ra đi cũng lâu rồi. Lời nói năm xưa tưởng chừng tôi cũng quên mất rồi. Cho đến một ngày, khi tôi thử ghép những câu thơ trong những bài thơ khác nhau của Ngô Tịnh Yên thành những bài thơ lạ - mà tôi đã có dịp trình bày cùng quý vị trong bài "Tản Mạn NTY" – thì tôi chợt nhận ra rằng người thầy xưa của tôi đã nói đúng: mỗi câu thơ cũng là người. Để đỡ mất thời gian của các bạn, tôi xin chép lại ra đây một bài Lục Bát và một bài Tự Do có nguồn gốc NTY:

Lục bát

Nước mắt khô

Con sông chẻ sóng bồi hồi
Nỗi buồn chẻ nhỏ, nỗi vui chẻ ngàn
Đi đâu giữa những con đường?
Cũng quay trở lại tâm hồn tuổi thơ
Đớn đau bằng nước mắt khô
Con tằm vẫn cứ nhả tơ dẫu buồn
Cho thơ, cho mộng, cho đàn
Nhận về một kiếp bẽ bàng thi nhân


Tự do
Em nở đóa vô vi

lặng lẽ hát trong cây
lũ dế mèn rung dây đàn cổ
lúc chợt nghe lại ca khúc cũ
những tình khúc của một đời thương nhớ
người yêu...
có thể là một mảnh sao cựa mình trong vũ trụ
dấu lặng bất ngờ của một mùa hạ chưa xa
khoảnh khắc đời như một sát na
em nở đóa vô vi tận duyên kiếp


Các bạn thấy đó, hai bài thơ mới hoàn toàn mang “chất” NTY. Từ đó tôi mới tự hỏi: vậy liệu các tựa thơ có cho thấy “chất” của người làm thơ, như lời thầy tôi nói không? Lẽ ra tôi sẽ thử nghiệm trên thơ của NTY. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy tôi cũng có mấy bài viết về thơ NTY rồi, vả lại còn rất nhiều thân hữu trên trang bạn của NTY Garden, mà tôi chưa có dịp chào xã giao, vậy sao tôi không thử chọn các tựa bài viết của các bạn văn thơ ấy như một dịp để làm quen? Và tôi đã chọn 4 thi văn hữu - xin mạn phép quý vị - cho tôi dùng các tựa bài của quý vị để ghép lại thành những bài thơ mới. Tựa các bài thơ do tôi đặt.

Bài 1: từ các tựa bài của Trần Mộng Tú

Ảo Ảnh

lệ
chiếc hồ huyền bí
ngụm cà phê tháng tư
cái chết ảo
lăn theo trái cam
hình như là thu phân
khi đợi ở phi trường
giấc mơ trong mùa đông
tôi là ai?
muối giao thừa
trái tim cong như
đuốc tình đêm ba mươi


Bài thơ có những ý nghĩa ẩn dụ rất lạ. Khổ đầu của bài thơ với hình ảnh rất đắt: nước mắt của chiếc hồ huyền bí như một ngụm cà phê tháng tư! Một hình ảnh cô độc: khi đợi ở phi trường, giấc mơ trong mùa đông, tôi là ai? Một hình ảnh cổ trang trong khổ cuối: người đốt đuốc tình đi trong đêm ba mươi, lúc gần giao thừa. Đọc xong tự dưng thấy ngậm ngùi lạ thường. Một bạn thơ của tôi nói vậy. Mà tôi cũng thấy vậy. Hay!

Bài 2: từ các tựa bài của Trần Phước An

thời gian

lệ sáng
một ngày
và một đời
gấp hạc giấy
vì giấc mơ của biển
chiều phai
nói với bạn
chữ vô
ngốc nghếch
nhưng là thật
bức họa thời gian
ngày tịnh yên nhớ mẹ
Một số thân hữu của tôi khi đọc bài này đều gật gù tấm tắc. Có một cái gì đó buồn buồn, nỗi buồn nhè nhẹ mà sâu lắng, câu chữ phảng phất hương vị thơ Nhật Bản. Các bạn tôi cho đây là một bài thơ hay và cảm động: gấp hạc giấy một đời vì giấc mơ của biển! Quá tuyệt!

Bài 3: từ những tựa bài của Tưởng Dung

nhớ và quên

xuân ca
không là trăm năm
lối xưa bỗng lại về
xin hãy đợi con
tháng tư nắng
bài thơ hạnh ngộ
tháng năm
và những đường hoa
phượng tím
những muộn phiền
rồi cũng phôi pha


Đây cũng lại là một bài thơ rất gợi, gợi về những mùa trong năm tháng cũ. Bài thơ đem đến một cảm giác buồn vui lẫn lộn: tháng năm và những con đường tím, muộn phiền rồi cũng phôi pha. Rồi một lời hứa hẹn với mẹ (cha) già: xin hãy đợi con, tháng tư nắng, bài thơ hạnh ngộ. Đối với riêng tôi, bài thơ này rất Tưởng Dung.
Và cuối cùng là 
Bài 4 từ những tựa thơ của Kiên Giang:

tím

khói trắng
xe trâu
theo chân ngoại lượm trái
mù u
màu áo tím
chậu nhỏ đựng đầy
hồn cố thổ
đồng xu giấy chặm
màu mực tím
chuyến tàu đời
hoa trắng
thôi cài
trên áo tím
Hình: Trịnh Kim Điền

Đối với bài thơ này thì nếu tôi không nói thì chắc quý vị cũng thấy được cái chất mộc mạc, những cảm xúc tinh tế, những hình ảnh rất Việt Nam, và những sắc tím mênh mông man mác của một miền quê, miền nhớ, đời học sinh trong một thuở hoa niên. Đó là chất của Kiên Giang, với nồng độ rất đậm: khói trắng, xe trâu, theo chân ngoại lượm trái mù u, màu mực tím. Một bạn thơ của tôi ở nước ngoài nói rằng, câu này làm ông nhớ Việt Nam quê nghèo của mình đến phát khóc. Chẳng là ngày xưa, sáng nào ông cũng đi lượm trái mù u. Và cái ông già đầu bạc trắng ấy khóc hu hu qua Skype. Mấy tụi tôi chỉ biết nắm tay nhau im lặng. Trong lòng ai cũng có một màu tím.

Tôi chưa từng quen biết các thi sĩ trên bao giờ, nhưng với các bài thơ ghép ở trên, tôi có cảm giác thật thân thuộc với họ, tôi như cảm nhận được cái phong thái – tâm tình của các vị đó. Tôi mường tượng như đó là “chất” của quý vị ấy. Nếu thật như vậy thì, tháng 8 âm lịch này, nhân giỗ lần thứ 25 của thầy tôi, tôi sẽ về bên mộ người, thắp nén nhang trầm và nói: Thưa Thầy, Thầy đã đúng! 

Xin chúc quý vị thân hữu gần xa được nhiều sức khỏe. Hẹn gặp lại quý vị trong những bài sau.
Trân trọng.
Hoàng Anh Dũng – 04/7/2012