Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Những mùa trăng cũ

TÙNG DINH DINH CẮC TÙNG DINH DINH ?
Theo những mùa qua ai mà không biết mình thêm tuổi, thế nhưng làm như ít ai biết mùa  đã đi qua thì không còn là chính chúng nữa. Xuân, hạ, thu, đông năm nào cũng về, nhưng đó không còn là mùa cũ. Chúng đã đi rồi ! Vâng chúng đã đi rồi, nhưng mà đi đâu ? Xin thưa những mùa xưa đã đi vào trong ký ức và tâm hồn của chúng ta. Còn đối với riêng tôi, tôi thấy thương nhớ nhất những mùa, không phải những mùa bình thường, mà là những mùa trăng cũ. Có lẽ vì những mùa trăng cũ gắn bó mật thiết với tuổi thơ tôi, với những bài hát Trung Thu, những chiếc bánh, chiếc lồng đèn và tiếng trống ếch chăng ?

Nhạc sĩ Vân Thanh, với bài Rước Đèn Tháng Tám, qua tiếng đàn Mandoline réo rắt và lời ca của thiếu nhi trên sóng phát thanh thuở ấy, đã đem đến cho đời, những tiếng trống hết sức lạ lùng, không phải là thùng thùng, hay tùng tùng, hay cắc cắc tùng tùng ….mà là : tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinhTôi không biết tại sao như vậy nữa , những người trong thế hệ chúng tôi cũng không biết tại sao như vậy nữa. Chẳng có từ điển nào ở Việt Nam ghi những từ đó vào cả. Nhưng có một điều chắc chắn là chúng tôi thấy yêu những tiếng trống lạ lùng đó, tiếng trống của những mùa trăng cũ quê hương : 

Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh
Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh

Em rước đèn này đến cung trăng

Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh

Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh
Em rước đèn mừng đón chị Hằng


Người ta đã phân tích, đã bình luận rất nhiều về bản nhạc này , nhưng theo tôi, người ta đã quên không nói tới cụm âm thanh Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh …một sáng tạo của nhạc sĩ Vân Thanh. Nhiều người Việt xa xứ khi nghe lại giai điệu bài này, khi nghe  xa xa  tiếng tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh …là đã khóc. Vâng chỉ biết khóc thôi. Cám ơn nhạc sĩ Vân Thanh.

2. TRÊN TRỜI NƯỚC NAM
Tôi cũng không thể nào quên được bài Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương.Bản nhạc này đúng là một tuyệt phẩm về tết Trung Thu ! Văn chương Việt Nam có ba  “ thằng ” : thằng Mõ, thằng Bờm, Thằng Cuội thì thằng Cuội là “ thằng ”dễ thương hơn cả. Hồi đó bọn trẻ chúng tôi cũng chả biết vì duyên cớ gì mà “ thằng Cuội ” lại bay tuốt lên cung trăng như vậy.  Nhưng chả ai buồn đi tìm câu trả lời cả. Tụi tôi vẫn gọi Cuội là “ thằng  Cuội ”,  và nhạc sĩ Lê Thương thậm chí còn gọi là “ thằng Cuội già ” nữa kia đấy. Thẳng ( âm người Nam bộ, như ổng, bả, chỉ … vậy- NV) là người Việt chắc cú luôn ! Tụi tôi thấy thân với “ thằng ” này vô cùng.  Làm như là cùng trang lứa vậy.  Làm gì có chuyện bất kính - như một vài bài viết sau này đề cập, họ không đồng ý  gọi là “ thằng Cuội già , họ cho rằng  đó là vấn đề văn hóa nên cần sửa lại cho đúng : chàng Cuội già !

Nhưng Lê Thương không sai ! Tại sao vậy ? Điều này về sau khi đọc tích Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai thì chúng tôi mới biết điều mà cụ Tản Đà trong bài Tống Biệt đã cảm thán là : nửa năm tiên cảnh, một bước trần ai. Buồn là đúng thôi bởi khi hai chàng về tới làng mới biết rằng mình xa trần gian đã 400 năm, mặc dù mới ở tiên cảnh có 2 năm ! Nghĩa là 1 năm ở trển ( ! ) bằng 200 năm dưới trần ! Thế nhưng nhiều người còn không chịu, dựa theo thuyết tương đối của Anbert Einstein, bằng những tính toán phức tạp có trời mới biết, họ tính ra rằng : 1 ngày ở thượng giới bằng 100 năm ở chốn trần gian. Do đó nếu trần gian đi qua 3 ngàn năm thì trên kia Cuội mới chỉ già thêm có hơn 1 tháng. Cũng có nghĩa là trần gian phải  đi qua 36 ngàn năm thì trên kia Cuội mới già thêm 1 tuổi !  Thành ra Cuội trẻ mà hóa ra già, già mà hóa ra trẻ. Vậy thì gọi Cuội là “ thằng Cuội ” hay “ thằng Cuội già ” có gì là sai ?  Già là già tương đối thôi. Với lại “ thằng Cuội ” là thuộc về thế giới trẻ thơ, người lớn dây dưa vào làm gì cho rách việc? Còn nếu như phải sửa chữa theo ý mấy nhà đó  thì sửa làm sao : cậu, chú, bác, ông, anh hay em đây ? Bỏ vô nghe trật nhạc xa lắc, do đó có người đề nghị là chàng, chàng Cuội già ! Đúng nhạc rồi nhưng nói thiệt : có cái gì đó chưa ổn, có cái gì đó đổ vỡ …
Chúng ta hãy nghe lại tuyệt phẩm đó :  

Bóng trăng trắng ngà 

Có cây đa to 

Có thằng Cuội già ôm một mối mơ 

Lặng yên ta nói Cuội nghe: 

”Ở cung trăng mãi làm chi” 
Bóng trăng trắng ngà 
Có cây đa to 
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ 

Gió không có nhà 
Gió bay muôn phương 
Biền biệt chẳng ngừng 
Trên trời nước Nam 
Lặng nghe trăng gió bảo nhau: 
”Chị kia quê quán ở đâu” 
Gió không có nhà 
Gió bay muôn phương 
Biền biệt chẳng ngừng 
Trên trời nước Nam 

Các con dế mèn 
Suốt trong đêm khuya 
Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ 
Đền công cho dế nỉ non, 
Trời cho sao chiếu ngàn muôn 
Các con dế mèn 
Suốt trong đêm khuya 
Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ 

Sáng rơi xuống đồi 
Sáng leo lên cây 
Sáng mỏi chân rồi, sáng ngồi xuống đây 
Cùng trông ánh sáng cười vui 
Chị em ta hãy đùa chơi 
Sáng rơi xuống đồi 
Sáng leo lên cây 
Sáng mỏi chân rồi, sáng ngồi xuống đây 

Các em thích cười 
Muốn lên cung trăng 
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang 
Mười lăm tháng Tám trời cho 
Một ông trăng sáng thật to 
Các em thích cười 
Muốn lên cung trăng 
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang …


Bài hát này đâu phải chỉ nhi đồng, mà ngay cả người lớn cũng mê. Những bài viết, nhận định chung quanh bài hát này và Lê Thương là rất nhiều, nhưng riêng tôi, điều cao cả nhất, vĩ đại nhất, là lời hát hay nhất mà Lê Thương để lại cho người Việt khắp bốn phương trời là đoạn nói về gió : 

Gió không có nhà 
Gió bay muôn phương 
Biền biệt chẳng ngừng 
Trên trời nước Nam


Vâng gió yêu quê hương nên gió chỉ bay trên trời nước Nam. Còn người yêu quê hương bay đi đâu trong những đêm trăng về tháng tám ?

HOÀNG ANH DŨNG

9/2013