Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

TỰA THƠ CŨNG LÀ NGƯỜI

Phiếm đàm

TỰA THƠ CŨNG LÀ NGƯỜI?

Trần Mộng Tú – Trần Phước An- Tưởng Dung – Kiên Giang qua các tựa thơ, tựa bài
Tôi nhớ năm xưa, thầy tôi là Duy Sơn Lão Sư, trong một buổi trà, đã dạy tôi rằng: không chỉ Thơ là người, mà ngay mỗi câu thơ cũng là người. Lão Sư còn nói thêm: ngay cả Tựa Thơ cũng là người. Tôi cho là người chỉ nói cho vui.

Mấy chục năm đã trôi qua. Thầy tôi đã ra đi cũng lâu rồi. Lời nói năm xưa tưởng chừng tôi cũng quên mất rồi. Cho đến một ngày, khi tôi thử ghép những câu thơ trong những bài thơ khác nhau của Ngô Tịnh Yên thành những bài thơ lạ - mà tôi đã có dịp trình bày cùng quý vị trong bài "Tản Mạn NTY" – thì tôi chợt nhận ra rằng người thầy xưa của tôi đã nói đúng: mỗi câu thơ cũng là người. Để đỡ mất thời gian của các bạn, tôi xin chép lại ra đây một bài Lục Bát và một bài Tự Do có nguồn gốc NTY:

Lục bát

Nước mắt khô

Con sông chẻ sóng bồi hồi
Nỗi buồn chẻ nhỏ, nỗi vui chẻ ngàn
Đi đâu giữa những con đường?
Cũng quay trở lại tâm hồn tuổi thơ
Đớn đau bằng nước mắt khô
Con tằm vẫn cứ nhả tơ dẫu buồn
Cho thơ, cho mộng, cho đàn
Nhận về một kiếp bẽ bàng thi nhân


Tự do
Em nở đóa vô vi

lặng lẽ hát trong cây
lũ dế mèn rung dây đàn cổ
lúc chợt nghe lại ca khúc cũ
những tình khúc của một đời thương nhớ
người yêu...
có thể là một mảnh sao cựa mình trong vũ trụ
dấu lặng bất ngờ của một mùa hạ chưa xa
khoảnh khắc đời như một sát na
em nở đóa vô vi tận duyên kiếp


Các bạn thấy đó, hai bài thơ mới hoàn toàn mang “chất” NTY. Từ đó tôi mới tự hỏi: vậy liệu các tựa thơ có cho thấy “chất” của người làm thơ, như lời thầy tôi nói không? Lẽ ra tôi sẽ thử nghiệm trên thơ của NTY. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy tôi cũng có mấy bài viết về thơ NTY rồi, vả lại còn rất nhiều thân hữu trên trang bạn của NTY Garden, mà tôi chưa có dịp chào xã giao, vậy sao tôi không thử chọn các tựa bài viết của các bạn văn thơ ấy như một dịp để làm quen? Và tôi đã chọn 4 thi văn hữu - xin mạn phép quý vị - cho tôi dùng các tựa bài của quý vị để ghép lại thành những bài thơ mới. Tựa các bài thơ do tôi đặt.

Bài 1: từ các tựa bài của Trần Mộng Tú

Ảo Ảnh

lệ
chiếc hồ huyền bí
ngụm cà phê tháng tư
cái chết ảo
lăn theo trái cam
hình như là thu phân
khi đợi ở phi trường
giấc mơ trong mùa đông
tôi là ai?
muối giao thừa
trái tim cong như
đuốc tình đêm ba mươi


Bài thơ có những ý nghĩa ẩn dụ rất lạ. Khổ đầu của bài thơ với hình ảnh rất đắt: nước mắt của chiếc hồ huyền bí như một ngụm cà phê tháng tư! Một hình ảnh cô độc: khi đợi ở phi trường, giấc mơ trong mùa đông, tôi là ai? Một hình ảnh cổ trang trong khổ cuối: người đốt đuốc tình đi trong đêm ba mươi, lúc gần giao thừa. Đọc xong tự dưng thấy ngậm ngùi lạ thường. Một bạn thơ của tôi nói vậy. Mà tôi cũng thấy vậy. Hay!

Bài 2: từ các tựa bài của Trần Phước An

thời gian

lệ sáng
một ngày
và một đời
gấp hạc giấy
vì giấc mơ của biển
chiều phai
nói với bạn
chữ vô
ngốc nghếch
nhưng là thật
bức họa thời gian
ngày tịnh yên nhớ mẹ
Một số thân hữu của tôi khi đọc bài này đều gật gù tấm tắc. Có một cái gì đó buồn buồn, nỗi buồn nhè nhẹ mà sâu lắng, câu chữ phảng phất hương vị thơ Nhật Bản. Các bạn tôi cho đây là một bài thơ hay và cảm động: gấp hạc giấy một đời vì giấc mơ của biển! Quá tuyệt!

Bài 3: từ những tựa bài của Tưởng Dung

nhớ và quên

xuân ca
không là trăm năm
lối xưa bỗng lại về
xin hãy đợi con
tháng tư nắng
bài thơ hạnh ngộ
tháng năm
và những đường hoa
phượng tím
những muộn phiền
rồi cũng phôi pha


Đây cũng lại là một bài thơ rất gợi, gợi về những mùa trong năm tháng cũ. Bài thơ đem đến một cảm giác buồn vui lẫn lộn: tháng năm và những con đường tím, muộn phiền rồi cũng phôi pha. Rồi một lời hứa hẹn với mẹ (cha) già: xin hãy đợi con, tháng tư nắng, bài thơ hạnh ngộ. Đối với riêng tôi, bài thơ này rất Tưởng Dung.
Và cuối cùng là 
Bài 4 từ những tựa thơ của Kiên Giang:

tím

khói trắng
xe trâu
theo chân ngoại lượm trái
mù u
màu áo tím
chậu nhỏ đựng đầy
hồn cố thổ
đồng xu giấy chặm
màu mực tím
chuyến tàu đời
hoa trắng
thôi cài
trên áo tím
Hình: Trịnh Kim Điền

Đối với bài thơ này thì nếu tôi không nói thì chắc quý vị cũng thấy được cái chất mộc mạc, những cảm xúc tinh tế, những hình ảnh rất Việt Nam, và những sắc tím mênh mông man mác của một miền quê, miền nhớ, đời học sinh trong một thuở hoa niên. Đó là chất của Kiên Giang, với nồng độ rất đậm: khói trắng, xe trâu, theo chân ngoại lượm trái mù u, màu mực tím. Một bạn thơ của tôi ở nước ngoài nói rằng, câu này làm ông nhớ Việt Nam quê nghèo của mình đến phát khóc. Chẳng là ngày xưa, sáng nào ông cũng đi lượm trái mù u. Và cái ông già đầu bạc trắng ấy khóc hu hu qua Skype. Mấy tụi tôi chỉ biết nắm tay nhau im lặng. Trong lòng ai cũng có một màu tím.

Tôi chưa từng quen biết các thi sĩ trên bao giờ, nhưng với các bài thơ ghép ở trên, tôi có cảm giác thật thân thuộc với họ, tôi như cảm nhận được cái phong thái – tâm tình của các vị đó. Tôi mường tượng như đó là “chất” của quý vị ấy. Nếu thật như vậy thì, tháng 8 âm lịch này, nhân giỗ lần thứ 25 của thầy tôi, tôi sẽ về bên mộ người, thắp nén nhang trầm và nói: Thưa Thầy, Thầy đã đúng! 

Xin chúc quý vị thân hữu gần xa được nhiều sức khỏe. Hẹn gặp lại quý vị trong những bài sau.
Trân trọng.
Hoàng Anh Dũng – 04/7/2012

Chọn


Chim xa bầy còn thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm người ơi
Thà rằng không biết thì thôi,
Biết rồi mỗi kẻ mỗi nơi cũng buồn
Ca dao đã tỏ ngọn nguồn:
Tình yêu không thể coi thường như chơi
Tình yêu chỉ một trong đời,
Nên ta phải chọn đúng người ta yêu
Hay đâu có một buổi chiều,
Chính tôi gặp phải đúng điều tôi lo
Qua sông thì lụy con đò,
Không qua thì lụy đợi chờ bấy lâu
Thế rồi em chuốc buồn đau,
Bởi tôi đã chọn người sau vui vầy
Nhưng lòng tôi vẫn ngậm ngùi,
Nhưng lòng tôi vẫn dấu lời thương yêu
Em đi thu lá rụng nhiều,
Sao tôi nhớ quá những chiều còn nhau!
Ví như chọn lại từ đầu …

Chính tôi, tôi sẽ qua cầu thương đau
Tôi không dám chọn nữa đâu,
Tôi không dám chọn u sầu cho ai!
Bây giờ tôi đã hiểu rồi:
Chữ Duyên là chữ của người thế gian
Không Duyên gần gũi cũng không…
Có Duyên vạn dặm mênh mông cũng về
Tình ta không trọn câu thề,
Xin em hãy chọn tôi về kiếp sau ….


HOÀNG ANH DŨNG (1990)

Momentary Love của Eliza Ngo & Chọn của tôi …

Phiếm đàm
Momentary Love của Eliza Ngo & Chọn của tôi …


Dẫn: Một hôm tôi tình cờ thấy bài Momentary Love của Eliza Ngo - một tác giả tôi chưa từng biết. Đã đi qua. Nhưng cuối cùng tôi quay lại đọc. Và sau đó tôi có bài viết này gởi tới quý vị thân hữu gần xa, như gởi tới một niềm vui cuối tuần cho tất cả.

 
Momentary Love

My heart belongs to whom?

I don’t know
Loving between two of you
Had driving me to insanity
Feeling like a fool
But I can’t let things flow by
Choosing love out of love have torn me apart
The moment when you with me was gone
For a momentary of my life
Deep inside I know I can’t smile I can’t hide
I was love you tear from my eyes is for you.

Eliza Ngo

Bản tạm dịch nghĩa của Hoàng Anh Dũng:

Tình trong khoảnh khắc

Tôi không biết
trái tim tôi thuộc về ai
giữa hai người
và điều đó đã làm tôi hoảng loạn
đã làm tôi ngơ ngẩn
nhưng tôi không thể thờ ơ
với những điều như vậy
việc tôi phải bỏ ai, chọn ai
đã làm lòng tôi tan nát
khoảnh khắc bên nhau không còn nữa
là khoảnh khắc trong đời tôi
sâu thẳm trong tim tôi, tôi biết
tôi không thể tươi cười
tôi không thể lẩn tránh
tôi biết thứ tình
mà tôi dành cho
người đã giằng xé
để ra khỏi ánh mắt tình yêu của tôi
là tình yêu





Nguyên bản bài thơ của Eliza chỉ 11 câu ngắn ngủi, nhưng lại có độ sâu của xúc cảm, thành ra tôi phải tạm dịch tới 20 câu, mà cũng không chắc đúng hẳn. Bởi vậy bản tạm dịch của tôi có thể chưa đúng ý tình của tác giả, mong nhà thơ Eliza Ngo thông cảm.
Eliza kể cho chúng ta nỗi niềm đau xót của một người phải chọn một trong hai người yêu thương. Có thể thấy đó là bi kịch của việc chọn lựa tình yêu. Chọn lựa tình yêu dường như thường khi sai và ít khi đúng. Bởi vậy Tình Yêu thường được quan niệm như Duyên Nợ.

Bản dịch thơ của Ngô Tịnh Yên:

Thoảng chút tình qua

Trái tim em thuộc về ai?
Làm sao biết được - tình hai nẻo tình
Đưa em vào chốn điêu linh
Hay đưa vào cõi thấy mình ngu ngơ
Nhưng thôi đành phải thờ ơ
Tình yêu lầm lẫn che mờ con tim
Tình thoảng qua hai đứa mình
Cũng là giây phút nghe tình bấp bênh
Sâu trong thăm thẳm tim mềm
Cho anh nước mắt lòng em khóc thầm.

NTY




Bản dịch thơ của Hoàng Anh Dũng:

KHOẢNH KHẮC TÌNH YÊU

Tim tôi biết thuộc về ai,
Tim tôi biết thuộc về ai bây giờ?
Nên lòng cứ mãi thẩn thờ,
Nên lòng cứ mãi ngẩn ngơ đôi đường
Làm sao dứt được sầu thương,
Làm sao dứt được yêu đương hỡi trời ?
Bên nhau một thuở buồn vui,
Bên nhau một thuở ngậm ngùi xa xôi
Trái tim đâu dễ tươi cười
Trái tim đâu dễ dấu lời yêu thương
Tình trong khoảnh khắc còn hương ,
Tình trong khoảnh khắc còn vương nét buồn

HAD

Bài thơ của Eliza Ngo thực sự có nhiều thú vị. Quý vị có nhận thấy hai bài dịch cũng có một điểm khác biệt lớn không. Đó là nhân vật chính theo bản dịch của NTY là một người nữ. Còn nhân vật chính trong bản dịch của HAD là một người nam. Trong bản dịch của NTY, người nữ đã khóc. Trong bản dịch của HAD, người nam không khóc. Thế nhưng chưa chắc ai “thảm” hơn ai đâu đó, bởi như Chinh Phụ Ngân Khúc có mấy câu rằng:

Cùng ngoảnh lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng, ý thiếp ai sầu hơn ai?

Vậy thì chính xác là ai cũng buồn trong một cuộc tình tan. Điều đáng ngạc nhiên là cách đây rất nhiều năm, không còn rõ ngày nào, tháng nào, tôi đã làm một bài thơ có nhan đề là CHỌN, nay đọc lại cũng thấy có đôi nét gần giống với ý tình mà Eliza Ngo đã thể hiện trong bài Momentary Love nói trên. Nay xin chép ra đây để quý vị cùng xem:

Chọn

Chim xa bầy còn thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm người ơi
Thà rằng không biết thì thôi,
Biết rồi mỗi kẻ mỗi nơi cũng buồn
Ca dao đã tỏ ngọn nguồn:
Tình yêu không thể coi thường như chơi
Tình yêu chỉ một trong đời,
Nên ta phải chọn đúng người ta yêu
Hay đâu có một buổi chiều,
Chính tôi gặp phải đúng điều tôi lo
Qua sông thì lụy con đò,
Không qua thì lụy đợi chờ bấy lâu
Thế rồi em chuốc buồn đau,
Bởi tôi đã chọn người sau vui vầy
Nhưng lòng tôi vẫn ngậm ngùi,
Nhưng lòng tôi vẫn dấu lời thương yêu
Em đi thu lá rụng nhiều,
Sao tôi nhớ quá những chiều còn nhau!
Ví như chọn lại từ đầu …
Chính tôi, tôi sẽ qua cầu thương đau
Tôi không dám chọn nữa đâu,
Tôi không dám chọn u sầu cho ai!
Bây giờ tôi đã hiểu rồi:
Chữ Duyên là chữ của người thế gian
Không Duyên gần gũi cũng không…
Có Duyên vạn dặm mênh mông cũng về
Tình ta không trọn câu thề,
Xin em hãy chọn tôi về kiếp sau ….

HAD (1990)

Kể cũng là một trùng hợp thú vị!

Kết: Tôi viết bài này gởi tới quý vị thân hữu gần xa nhân dịp cuối tuần đầu tiên của tháng 7, một tháng mà trời Việt Nam luôn sụt sùi mưa gió. Có những thành phố sau mưa cứ như một giòng sông, có khi phải cả ngày trời nước mới rút. Bởi vậy nếu như chẳng ai mong muốn Momentary Love, thì ở Saigon, sau mưa ai cũng mong Momentaty River cả! Kính chào quý vị. Chúc quý vị được nhiều niềm vui. Hẹn gặp lại quý vị trong những bài sau. Trân trọng.

Hoàng Anh Dũng
7/2012

FROST & Con đường không chọn

FROST & CON ĐƯỜNG KHÔNG CHỌN

Tôi nhớ đâu đó có người nói rằng: Tuổi thọ của một người có thể tăng lên và cũng có thể giảm xuống sau khi đọc một áng thơ nào đó của một thi hào nào đó. Một trong những thi hào đó là Robert Frost.

Chính nhận xét đó đã làm tôi chú ý đến thi hào người Mỹ này. Bởi tôi yêu thơ và cũng thích dịch thơ cho riêng mình đọc. Không chia sẻ với ai. Thói quen đó đã mấy chục năm rồi. Mấy chục năm trước, tôi có đọc Frost, những bài thơ của Robert Frost quả nhẹ nhàng, nhưng ý tứ sâu xa. Đọc xong tôi còn hiểu chút chút. Ai dè khi đọc một số bài bình luận về Robert Frost và thơ của ông thì phải nói thiệt, lúc đó thì: Không còn hiểu gì hết! Sao mà cao siêu quá! 

Tôi đem điều này nói với thầy tôi – Duy Sơn Lão Nhân – người cả cười mà rằng: Ta cũng không hiểu đâu! Về sau, khi tôi đang học đại học ở Sài Gòn, người còn gởi cho tôi một lá thư ngắn vỏn vẹn có dòng trào lộng: Có lẽ chính Robert Frost cũng không hiểu những bình luận đó đâu! 

Thầy tôi đi xa lâu rồi, Frost cũng vậy. Và có lẽ là hai người đã gặp nhau và trao đổi câu chuyện về tôi ở một cõi trời nào đấy, nên ngày nọ tôi bất giác ngộ rằng: Thơ chỉ có thể Ngộ chứ không thể Hiểu!

Bởi vậy phải Ngộ thơ mới dịch được thơ – nếu không Ngộ mà dịch thơ, thì thơ dịch ấy có thể gây thảm họa dịch thuật còn nặng hơn cả truyện dịch như Trần Tiễn Cao Đăng nói về một số tác phẩm văn học dịch ở Việt Nam vài năm trước. Và bản thân tôi cũng “tự hào” vì nào giờ không dại dột bình luận thơ của ai cả! Năm khi mười họa, bạn thân, thân lắm, thì mới dám nhận xét sương sương thôi! Thiệt may mắn!
Năm xưa tôi chép được một bài thơ của Frost: The Road Not Taken. Đó là năm 1988. Tôi thấy cũng dễ hiểu, nhưng dịch ra thì cứ trúc trắc làm sao đó. Thành ra cứ phải dở dang. Có điều là tôi không quên bài thơ đó. Lâu lâu cũng đem ra “nghiên cứu”. Mãi đến 16 năm sau, mùa thu 2004, bản dịch mới hoàn thành, mà hoàn thành chỉ trong một đêm! Ngâm nga chán rồi đem để đâu đó. Thế rồi thất lạc. Mãi đến chiều hôm kia, khi cùng mấy học trò dọn thư viện cũ của nhà, thì phát hiện mảnh giấy nhỏ chép bài thơ dịch nằm cô đơn giữa một cuốn tự điển Hán Việt dày cộm. Tính ra trước sau cũng hơn 24 năm kể từ ngày có trong tay bài The Road Not Taken!

Thế rồi tự dưng, không hiểu sao, tôi lại gởi Email bài thơ dịch đó cho một người bạn mới quen: cô Vũ Thị Phương Anh, như một quà tặng niềm vui đầu tuần. Nút “send” bấm đi rồi mới thấy… ân hận vì chợt nhớ ra người nhận thư là một chuyên gia Tiếng Anh hàng đầu của Việt Nam! 

Không ngờ chỉ không lâu sau đó cô Phương Anh hồi âm, đề nghị post lên blog cho mọi người cùng đọc! Một lời khen rồi còn gì!

Như một sự tình cờ tôi cũng tìm thấy một bản dịch rất hay trên dinhsong.net của nhà thơ học giả Đông Yên, và tôi gởi bài dịch của tôi cho Ban Biên Tập như một món quà ra mắt. Tôi cũng nhận được sự khích lệ của BBT. Bởi tất cả những điều trên, tôi mạnh dạn giới thiệu sau đây: The Road Not Taken của Robert Frost – cùng bản dịch.

THE ROAD NOT TAKEN
Robert Frost





Hai Ngả Đường Xưa

Hai ngả rẽ 
giữa cánh rừng 
thu vắng,
biết về đâu, 
người lữ khách 
phân vân,
một ngả đường 
ta đứng 
xa trông, 
 cho đến lúc 
giữa ngàn cây
lẩn khuất.

Nhưng...
ta chọn 
không phải em 
đường thứ nhất! 
Bởi đường kia 
mới thật 
chất nguyên sơ! 
đường cỏ xanh 
như tiếng 
gọi trong mơ,
dù có lẽ, 
 cũng lối mòn 
chẳng khác!

Sáng thu ấy 
lá rụng nhiều
xao xác ngả 
đường đầu 
ta hẹn...
đến mai sau, 
những ngả đường 
ta ước 
sẽ giao nhau,
bởi không biết 
bao giờ 
ta trở lại!

Ta sẽ kể 
về tháng năm 
khắc khoải,
tiếng thở dài
vọng mãi
cánh rừng xưa,
nắng hanh vàng
trên một
lối hoang sơ,
ta đã chọn,
và đường đời ta
đã khác.


Robert Frost
Hoàng Anh Dũng dịch
Thu 2004

Ruyard Kipling đi tìm diêu bông


RUDYARD KIPLING 

đi tìm diêu bông
Nhiều thân hữu hỏi tôi Ruyard Kipling thì có mắc mớ gì đến cái lá diêu bông bất tử của Hoàng Cầm kia chứ? Vậy mà có đấy thưa các bạn: Ruyard Kipling thực sự có một bài thơ gần như diêu bông! Vâng Rudyard Kipling là một tên tuổi lớn của thế giới, và khi nói đến ông người ta thường nhắc đến bài thơ "If". Đây là bài thơ Anh được bình chọn hay nhất mọi thời đại. (theo khảo sát của BBC năm 1995). Cũng bởi danh tiếng "If" quá dữ, nên đôi khi người ta quên rằng Ruyard Kipling còn nhiều bài thơ nổi tiếng khác nữa, và một trong số đó là Blue Roses:
Blue Roses

Roses red and roses white

Plucked I for my love's delight.
She would none of all my posies
Bade me gather her blue roses.



Half the world I wandered through,
Seeking where such flowers grew.
Half the world unto my quest
Answered me with laugh and jest.


Home I came at wintertide,

But my silly love had died,
Seeking with her latest breath
Roses from the arms of Death.


It may be beyond the grave

She shall find what she would have.
Mine was but an idle quest—
Roses white and red are best.



Tôi biết bài thơ này khá lâu, nhưng bỏ qua liền. Chỉ là một chuyện tình buồn: chàng trai, cô gái quen nhau rồi xa nhau, rồi một người bệnh chết, rồi một người đứng bên mộ... Tôi cho rằng mô típ cổ điển này thua xa lắc Những Đồi Sim của Hữu Loan, hay Bài Thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm. Nhưng trong một lần về quê, chiều ngồi bên mộ thầy tôi, tôi thấy một chiếc lộc bình đất cũ cắm đơn sơ mấy cánh hồng trắng và mấy cánh hồng đỏ héo úa, tự nhiên tôi nhớ tới bài Blue Roses, và phát hiện ra một chi tiết khá lạ là chàng trai đem tặng cô gái có đủ cả hồng trắng, hồng đỏ. Lạ là bởi vì thường thấy những người yêu nhau tặng toàn hồng đỏ thôi! Từ cảm xúc đó, về sau tôi lại thấy Blue Roses thực sự hay và thú vị, nhưng thực sự quá khó diễn đạt, bởi vậy phải gần hai năm, bản dịch mới hoàn thành:
 
NHỮNG NỤ HỒNG XANH
Nhớ thuở hoa hồng hái tặng nhau, 

những màu trắng đỏ gợi mai sau,  
rồi em hờ hững màu hoa cũ,
em thích hồng xanh ở tận đâu!


Từ đó trầm luân cuộc bể dâu, 

tôi đi dường bốn bể năm châu,
tìm nơi có mọc loài hoa ấy, 
năm tháng thêm đầy những nỗi đau…


Một mùa Đông tôi trở lại bên cầu,  

người yêu dấu năm xưa không còn nữa, 
phút cuối em vẫn nhìn ra phía cửa, 
đợi anh về với những nụ hồng xanh!


Này em hỡi, dưới suối vàng hoang lạnh,

nguyện cầu em thấy cánh hoa mơ,
điều tôi tìm giờ vẫn hư vô, 
trần thế vẫn rực rỡ những màu hoa dạo nọ…

Ruyard Kipling
Hoàng Anh Dũng dịch
 tháng 10/2006



Người dẫn chuyện: Tâm hồn thì không thể dịch được, nhưng mỗi lần đọc lại bài thơ này, tôi vẫn thấy dâng lên cái cảm giác bâng khuâng. Tôi vẫn như thấy hình ảnh một đóa hồng xanh. Tôi vẫn thấy một cách sinh động, hình ảnh nhõng nhẽo, phụng phịu của cô gái đòi nụ hồng xanh, cái hình ảnh co ro của một gã trai đi trong mịt mùng rét mướt để tìm một cái Ảo cho một Tình Yêu Thực, thế nên đời mới có cái bi tráng uy mãnh của những gã Kinh Kha trong tình yêu:
Đời vẫn nhớ
Những gã Kinh Kha
khóc dưới hoàng hôn.
một lá diêu bông
khóc trong chiều tiễn biệt!
(HAD)
Tôi thầm nghĩ, nếu gã trai trong Blue Roses còn sống tới giờ này thì anh có thể ra phố rồi: hoa hồng xanh bán đầy luôn! Nhưng như thế thì không còn diêu bông! Nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ biết tới những chuyện tình diêu bông đầy nước mắt như trong chính Blue Roses, và trong chính cuộc đời cát bụi này. Liệu chúng ta có cần một chút diêu bông?
HOÀNG ANH DŨNG
Cuối Thu 2012

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Về ca từ trong bản nhạc SINCE I LET YOU GO của Vương Đằng

Về ca từ trong bản nhạc SINCE I LET YOU GO

của Vương Đằng

Dẫn nhập: Gần 30 năm trước, lão sư Vương Đằng viết bản nhạc Tiếng Anh có nhan đề SINCE I LET YOU GO. Tác giả bài viết này chưa được tiếp cận với ký âm của bản nhạc. Tuy nhiên đây là một bài hát có ca từ là một bài thơ rất đặc biệt, có nhiều cách hiểu, nhiều tầng thẩm thấu khác nhau tùy theo cảm thụ của mỗi người. Bởi vậy tưởng chư vị độc giả xa gần cũng nên ghé qua bài bình dưới đây để cùng thưởng thức cái thi vị của một trong những bài thơ – nhạc, mà theo tôi có lẽ ấn tượng nhất của lão sư Vương Đằng.



SINCE I LET YOU GO

Since I let you go:
My life has lost its souls;
Flowers were not blooming in the spring;
Summer was terribly hot;
Fall brought to me no thought;
And winter has resembled my way of life a lot;

Since I let you go:
My joy of music has lost its flow;
There is no more dancing
Because I have no compatible partner;
Now I realize you were a good dancer;
And I have bought no tape for music listening.

Since I let you go:
My home has lost its souls;
My heart has not hung at its door;
Why should I be in a hurry
To be home then being lonely
Because nobody is expecting me
And no one I am looking for!Vương Đằng (1984)

Bản dịch nghĩa của Hoàng Anh Dũng


TỪ NGÀY TÔI ĐỂ EM ĐI


Từ ngày tôi để em đi rồi
Cuộc sống tôi như lạc mất linh hồn
Hoa không nở trong mùa Xuân
Mùa Hạ nắng như thiêu đốt
Mùa Thu không mang đến ý nghĩa gì
Và mùa Đông rất giống với đường đời tôi đi
Từ ngày tôi để em đi rồi
Lòng yêu thích âm nhạc của tôi không còn tuôn chảy
Tôi không còn ca múa nữa
Bởi vì không còn bạn nhảy
Giờ tôi mới nhận ra em chính là vũ công tuyệt vời
Và tôi chẳng thiết mua băng nhạc về để nghe

Từ ngày tôi để em đi rồi
Ngôi nhà tôi như mất linh hồn
Trái tim tôi không còn treo ngoài khung cửa
Sao tôi lại phải vội vã về nhà
Bởi về nhà là cô đơn
Bởi không còn ai mong đợi tôi về
Và không còn ai để tôi ngóng trông.





Bản dịch thơ của nhà thơ TRÍ THU:


Từ tôi để em xa 
 Nao lòng buổi ấy chia tay
Hồn khô tàn úa nhạt phai cõi đời
Hoa kia biếng nở xuân rồi
Hạ thêm đổ lửa, thu hờ ý thu
Đường đông sương giá mịt mù
Đường đời tôi lạnh gió lùa trải ngang
Mối tình trót đã ly tan
Trong tôi tiếng nhạc hồng hoang âm tàn
Vũ với ai lúc thiếu nàng
Nghe đâu thêm được khúc vàng thắm hơn
Chia lìa đâu phải giận hờn
Bên thềm mái ấm phai hương em rồi
Trái tim mở khép hững hờ
Cô đơn biết đợi mong chờ tin ai.Trí Thu -2009


BÌNH:
 
Như trên đã nói ca từ trong bài nhạc nói trên cũng là một bài thơ. Nhưng là một bài thơ nhiều tầng nghĩa. Và tùy theo cách cảm nhận mà mỗi người có thể có những cách hiểu khác nhau. Chỉ với 3 đoạn, 19 câu ngắn ngủi, bài thơ đã chuyển tải được một khung trời giao hòa hiện tại, quá khứ và tương lai của một chuyện tình. Theo nguyên bản, chúng ta có thể tóm tắt đại ý của bài thơ như sau: “Bài thơ nói về một nỗi ân hận muộn màng của một chàng trai. Vì một lý do nào đó, chàng trai đã để mặc cho người con gái bỏ đi, tưởng là chuyện bình thường, ngờ đâu sau dạo đó chàng đã như một người mất linh hồn, không còn cảm xúc âm nhạc, và ngôi nhà xưa cũng không còn sự sống. Năm tháng trôi qua chàng vẫn đợi. Chàng vẫn không quên được người năm xưa”.

Tác giả Vương Đằng đã thay mặt chàng trai nói lên những suy nghĩ đó.

Đoạn 1
Nhan đề Since I let you go, tưởng là đơn giản, nhưng thực ra đó là một nhan đề có dụng ý tu từ rất tuyệt! Với nhan đề này, tác giả đã rất khéo léo nói lên lỗi lầm đầu tiên thuộc về ai, nói nôm na là: chàng trai đã để mặc khi nàng dợm đi. Và nàng đã đi thật. Ôi! Nếu chàng trai chịu “xuống nước’’ một chút, hoặc giả là nàng không cố tình đicho “đã nư” thì mọi chuyện giờ đây có lẽ đã khác.
Sau cuộc chia tay, Vương Đằng đã cho biết chàng trai hầu như đã “trơ” với mọi thay đổi của đất trời vạn vật, của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đây dường như là một mô tuýp miêu tả cổ điển. Tuy nhiên không hoàn toàn như vậy. Đó là nếu như trong Hạ Trắng, cùng với một tâm trạng tương tự, Trịnh Công Sơn đã “gọi nắng”:

Gọi nắng cho vai em gầy
Đường xa áo bay …


Thì ở đây mùa Hạ lại “ngập nắng”! Nắng chói chang! Nắng kinh khủng! Và nếu như, với nhiều thi nhân khác, mùa Thu là mùa luôn mang nhiều “thông điệp”, như Lưu Trọng Lư với Tiếng Thu:

Em có nghe mùa Thu
Dưới trăng mờ thổn thức ….


thì mùa Thu ở đây lại là “no though – không ý nghĩa” gì! Với nhiều thi nhân khác, mùa Đông thường dùng để chỉ cái cô đơn giá lạnh trong một khoảnh khắc, một thời điểm hay một khoảng thời gian nào đó, còn với Vương Đằng thì các mùa Đông sau chia tay đã trở thành con đường đời hun hút lạnh của chàng. Vương Đằng quả thực đã “cho” chàng trai một nỗi đau “nặng” hơn bình thường nhiều lắm các bạn ạ !

Đoạn 2
Đoạn này cho thấy chàng trai – cô gái ngày xưa đã từng là một cặp đôi đồng điệu về ca hát. Đã có những vũ khúc cùng nhau. Giờ xa nhau chàng mới thấy rằng hóa ra mình cũng đã “chia tay” luôn với cảm xúc âm nhạc. Có lẽ sau dạo đó, chàng cũng đã từng khiêu vũ với nhiều với giai nhân khác, nhưng kịp nhận ra rằng “good dancer” vẫn là người năm xưa.

Kết đoạn 2 là một câu, thoạt nghe rất bình thường, và có thể là phần nào không văn chương bóng bẩy bằng các câu trên:
And I have bough no tape for music listenin.

Ngang qua cửa hàng băng dĩa, chàng không còn thiết vào mua. Tại sao? Phải chăng âm nhạc trong lòng chàng đã nguội lạnh? Hay là chàng sợ cửa hàng đó gợi những kỷ niệm? Có thể là sợ những người quen cũ sẽ nhận ra và hỏi nàng đâu? Hay là sợ không còn bài hát nào hay hơn những bài hát mà cả hai cùng nghe dạo nào? Hay là sợ phải nghe lại những bản nhạc ngày xưa?....

Tôi (HAD) nghĩ là tất cả những điều nói trên, mà câu thơ trên mô tả chính là những nỗi sợ! Vâng, những nỗi sợ rất đẹp, và rất não nùng!

Ngày xưa nhà thơ Lê Thị Kim cũng đã có một bài thơ hiếm hoi: bài Hoa Ngâu diễn tả hết sức tinh tế cái cảm xúc sợ, cái sợ đau đớn đến xót xa và xúc động:Em có chồng rồi ta vắng nhau

Một hôm chợt gặp giữa vườn Ngâu
Em đi bước nhẹ hơn ngâu rụng


Sợ chạm lòng ai những nỗi đauBước đi nhẹ hơn ngâu rụng! Nghe mới đau đớn biết chừng nào! Bởi vậy, trở lại với câu thơ trên: And I have bough no tape for music listening, chúng ta phải thấy rằng đó chính là một câu thơ ẩn dấu, gói ghém được cả một nỗi niềm đau mênh mang. Và đó lại là một sáng tạo của Vương Đằng.

Đoạn 3
Đoạn này cho biết kể từ dạo nàng ra đi, căn nhà của chàng đã trở nên hoang vắng, không còn sức sống, không còn linh hồn. Những thắc thỏm của những buổi hẹn hò, của những đêm bên khung cửa chờ nàng đến, nàng về, đã không còn nữa. Chàng đi đâu không còn thiết về vội, bởi căn nhà chứa đầy nỗi cô đơn. Nơi đó chàng biết không còn ai mong đợi mình, và chàng cũng không còn ai để đón đưa. 

Câu thơ: My heart has not hung at its door, nếu ai đã từng lỡ một cuộc tình có lẽ họ luôn hiểu “trái tim treo ngoài khung cửa” là như thế nào. Và đó chính là câu thơ mà thoạt nghe tưởng bình thường, nhưng thực sự chính là một “tiếng nói âm thầm của tình yêu thất lạc”.

Thơ Vương Đằng là như thế, luôn cất dấu những tâm tình rất sâu. Bởi vậy đọc thơ Vương Đằng là cần sự im lặng và chiêm nghiệm. Tác giả bài viết này cũng hiểu rằng không dễ thẩm thấu được trọn vẹn thơ Vương Đằng, nhất là trong bài thơ Since I let you go nói trên, Vương Đằng đã cất dấu niềm tâm sự qua một lớp khóa thứ hai – viết bằngTiếng Anh. Tuy nhiên, tác giả bài viết này với trải nghiệm của mình cũng thử trình cùng quý vị độc giả gần xa một bản dịch như sau:

TỪ DẠO ĐỂ EM ĐI

Từ dạo để em đi
đời tôi thành hư không
Xuân Hạ Thu rồi Đông
mùa hoa không về nữa
mùa chỉ còn nắng lửa
mùa biền biệt ý tình
mùa chìm trong băng giá

Từ dạo để em đi
nhạc lòng thành khô hạn
vắng bạn nhảy năm nào
lòng sầu sao hát múa
tim tôi luôn chất chứa
những nhạc thời xa xưa
bây giờ tìm đâu nữa!

Từ dạo để em đi
nếp nhà thành hiu hắt
lòng mãi còn se thắt
thuở tựa cửa chờ nhau …
tôi chẳng vội về đâu
nhà tôi giờ bên ấy
có ai người tôi đợi
có ai đợi tôi về …

HAD

Xin chúc mừng nhà thơ Vương Đằng, vì thầy đã góp rất nhiều sáng tạo thanh cao cho cuộc đời này - không chỉ là thi ca – âm nhạc. Rất nhiều bạn xưa của tôi – thế hệ của những năm 50-60-70 - đã nghẹn ngào với những bài thơ của thầy. Tôi chỉ là kẻ viễn phương được thơm lây trên đường vạn dặm, bởi một hôm, như tình cờ của Duyên, ghé qua Vương Đằng Viên. Vạn hạnh!Hoàng Anh Dũng - 6/2012