Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Phiếm bình về bài thơ tầm ẩn giả bất ngộ


MÂY NÚI ĐÃ NGÀN NĂM … 

        Bài Tầm Ẩn Giả Bất Ngộ là một tuyệt tác!
            4 câu và 20 chữ đủ làm cho tên tuổi Giả Đảo đứng vững vài ngàn năm nữa. Thế nhưng cái hay của bài thơ đâu phải vì độ ngắn của nó. Hoặc có thể nó ngắn nhưng không nhỏ! Nó rất lớn!

            Bài thơ có vẻ như một loại vật chất được tinh lọc và nén rất chặt thành ra hình dạng biểu kiến là rất gọn gàng. Và khi được thả vào một môi trường thích hợp nó lại nở bừng và có khuynh hướng tìm về nguyên trạng như nó vốn có. Đó có thể coi như một sự đàn hồi của thơ!

            Thế nhưng không giống với sự đàn hồi trong vật lý – loại đàn hồi có thể đạt tỉ lệ 100% - sự đàn hồi trong thơ thường chỉ là x% thôi! 

            Và sự biến thiên của x tùy thuộc vào môi trường mà bài thơ được thả vào. Tức là tùy thuộc vào độ cảm thụ của mỗi chúng ta. Và độ cảm thụ của mỗi người trong chúng ta luôn khác nhau nên x trong chúng ta sẽ khác nhau!

            Hệ quả là cùng một bài thơ có hàng trăm cách hiểu khác nhau, tức là hằng trăm bản dịch khác nhau. Đó cũng là trường hợp của bài Tầm Ẩn Giả Bất Ngộ. Hãy xem nguyên tác:

Tùng hạ vấn đồng tử
Ngôn: sư thái dược khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ 


            Một bài thơ ngẳn ngủi mà có tới 3 nhân vật (đồng tử, sư và khách), 4 thiên nhiên: (tùng, dược, sơn, vân), 3 tĩnh từ (hạ, trung, thâm) và  đặc biệt có tới 7 động từ (vấn, ngôn, thái, khứ, chỉ, tại, tri)! 7 động từ cho 20 từ! Có bài thơ ngắn tương đương nào có tỉ lệ động từ cao như vậy chưa? Và càng nhiều động từ thì càng động! Phải không?

            Bởi vậy suy nghĩ cho kỹ thì đây đâu chỉ là một bài thơ động, mà hơn thế còn là một bức họa động!
            Và nếu như cho tới nay chưa có bức họa nào có thể “vẽ” hết được những điều mà ngôn ngữ bài thơ hàm chứa, thì cũng chưa có bản dịch nào có thể “chuyển” được những điều mà ý thơ muốn nói! Cái Có của bài thơ không chỉ là cái Có trong nó mà quan trọng hơn là cái Không Có trong nó! Ai cũng có thể diễn được cái có, nhưng mấy ai diễn được cái không?

            Người khách đã tới chốn sơn lâm mong gặp ẩn giả, và đã hỏi chuyện tiểu đồng. Chưa có câu trả lời. Chưa biết khách sẽ ngộ hay bất ngộ sư. Và đến hôm nay, đã hơn ngàn năm trôi qua, cũng chưa có câu trả lời! Người hỏi và người được hỏi vẫn đứng ngàn năm dưới cội tùng! 
         
            Tôi có cảm giác mình cũng là một khách vân du đi tìm cố nhân, tôi muốn hỏi chú tiểu đồng những câu hỏi mà năm xưa chú đã được hỏi. Tôi nghĩ chú vẫn sẽ chỉ vào chốn xa xôi, mây núi chập chùng.

            Tôi nghĩ mình sẽ qua đêm tại chốn sơn lâm cùng cốc đó để đợi một điều có thể nên đợi và không nên đợi. Ngộ hay bất ngộ đều như nhau! Tôi chỉ biết ngàn năm đang trôi. Tôi chỉ biết tôi vẫn là một người khách của thời gian. Và sư vẫn hái thuốc chưa về!

            Bởi vậy một đêm tự nhiên tôi có một “bản vẽ” như thế này: 
Dưới bóng tùng hỏi thăm
Sư hái thuốc xa xăm
Người đi về lối ấy
Mây núi đã ngàn năm …


            Giang Nam tiên sinh đã chính xác khi cho rằng  bản dịch “không tải hết được nội dung nguyên tác vốn hàm súc (hình tượng em bé / quan niệm của em về đường đi, phương hướng nơi núi rừng, nỗi băn khoăn lo ngại của khách nhìn mây dày đặc (vân thâm)”.

            Vâng đúng vậy thưa Giang Nam tiên sinh cùng quý vị, như trên tôi đã nói, một bài thơ quá Động thì dịch phải nói là chuyện vô cùng khó. Bởi chỉ có Tĩnh mới chế được Động, mà trong cuộc đời này, cái Tĩnh cũng chính là cái chúng ta đang tìm kiếm và nuôi dưỡng hàng ngày.

            Tuy nhiên hôm nay tới thăm Giang Nam tiên sinh, tôi tìm thấy một chút Tĩnh cho mình. Đó là bài phiếm bình tôi viết hôm nay.

            Sư, tiểu đồng và vị khách đi về đâu?
            Tôi nghĩ là không ai biết cả, nhưng mà tôi có thể nói như thế này:

Người đi về lối ấy
Mây núi đã ngàn năm …


            Quý vị có thấy tôi chỉ đường có hay hơn anh tiểu đồng năm xưa không?  

Nguyễn Đại Hoàng
Ngày đăng 20/3/2013 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét