Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

TỰA THƠ CŨNG LÀ NGƯỜI

Phiếm đàm

TỰA THƠ CŨNG LÀ NGƯỜI?

Trần Mộng Tú – Trần Phước An- Tưởng Dung – Kiên Giang qua các tựa thơ, tựa bài
Tôi nhớ năm xưa, thầy tôi là Duy Sơn Lão Sư, trong một buổi trà, đã dạy tôi rằng: không chỉ Thơ là người, mà ngay mỗi câu thơ cũng là người. Lão Sư còn nói thêm: ngay cả Tựa Thơ cũng là người. Tôi cho là người chỉ nói cho vui.

Mấy chục năm đã trôi qua. Thầy tôi đã ra đi cũng lâu rồi. Lời nói năm xưa tưởng chừng tôi cũng quên mất rồi. Cho đến một ngày, khi tôi thử ghép những câu thơ trong những bài thơ khác nhau của Ngô Tịnh Yên thành những bài thơ lạ - mà tôi đã có dịp trình bày cùng quý vị trong bài "Tản Mạn NTY" – thì tôi chợt nhận ra rằng người thầy xưa của tôi đã nói đúng: mỗi câu thơ cũng là người. Để đỡ mất thời gian của các bạn, tôi xin chép lại ra đây một bài Lục Bát và một bài Tự Do có nguồn gốc NTY:

Lục bát

Nước mắt khô

Con sông chẻ sóng bồi hồi
Nỗi buồn chẻ nhỏ, nỗi vui chẻ ngàn
Đi đâu giữa những con đường?
Cũng quay trở lại tâm hồn tuổi thơ
Đớn đau bằng nước mắt khô
Con tằm vẫn cứ nhả tơ dẫu buồn
Cho thơ, cho mộng, cho đàn
Nhận về một kiếp bẽ bàng thi nhân


Tự do
Em nở đóa vô vi

lặng lẽ hát trong cây
lũ dế mèn rung dây đàn cổ
lúc chợt nghe lại ca khúc cũ
những tình khúc của một đời thương nhớ
người yêu...
có thể là một mảnh sao cựa mình trong vũ trụ
dấu lặng bất ngờ của một mùa hạ chưa xa
khoảnh khắc đời như một sát na
em nở đóa vô vi tận duyên kiếp


Các bạn thấy đó, hai bài thơ mới hoàn toàn mang “chất” NTY. Từ đó tôi mới tự hỏi: vậy liệu các tựa thơ có cho thấy “chất” của người làm thơ, như lời thầy tôi nói không? Lẽ ra tôi sẽ thử nghiệm trên thơ của NTY. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy tôi cũng có mấy bài viết về thơ NTY rồi, vả lại còn rất nhiều thân hữu trên trang bạn của NTY Garden, mà tôi chưa có dịp chào xã giao, vậy sao tôi không thử chọn các tựa bài viết của các bạn văn thơ ấy như một dịp để làm quen? Và tôi đã chọn 4 thi văn hữu - xin mạn phép quý vị - cho tôi dùng các tựa bài của quý vị để ghép lại thành những bài thơ mới. Tựa các bài thơ do tôi đặt.

Bài 1: từ các tựa bài của Trần Mộng Tú

Ảo Ảnh

lệ
chiếc hồ huyền bí
ngụm cà phê tháng tư
cái chết ảo
lăn theo trái cam
hình như là thu phân
khi đợi ở phi trường
giấc mơ trong mùa đông
tôi là ai?
muối giao thừa
trái tim cong như
đuốc tình đêm ba mươi


Bài thơ có những ý nghĩa ẩn dụ rất lạ. Khổ đầu của bài thơ với hình ảnh rất đắt: nước mắt của chiếc hồ huyền bí như một ngụm cà phê tháng tư! Một hình ảnh cô độc: khi đợi ở phi trường, giấc mơ trong mùa đông, tôi là ai? Một hình ảnh cổ trang trong khổ cuối: người đốt đuốc tình đi trong đêm ba mươi, lúc gần giao thừa. Đọc xong tự dưng thấy ngậm ngùi lạ thường. Một bạn thơ của tôi nói vậy. Mà tôi cũng thấy vậy. Hay!

Bài 2: từ các tựa bài của Trần Phước An

thời gian

lệ sáng
một ngày
và một đời
gấp hạc giấy
vì giấc mơ của biển
chiều phai
nói với bạn
chữ vô
ngốc nghếch
nhưng là thật
bức họa thời gian
ngày tịnh yên nhớ mẹ
Một số thân hữu của tôi khi đọc bài này đều gật gù tấm tắc. Có một cái gì đó buồn buồn, nỗi buồn nhè nhẹ mà sâu lắng, câu chữ phảng phất hương vị thơ Nhật Bản. Các bạn tôi cho đây là một bài thơ hay và cảm động: gấp hạc giấy một đời vì giấc mơ của biển! Quá tuyệt!

Bài 3: từ những tựa bài của Tưởng Dung

nhớ và quên

xuân ca
không là trăm năm
lối xưa bỗng lại về
xin hãy đợi con
tháng tư nắng
bài thơ hạnh ngộ
tháng năm
và những đường hoa
phượng tím
những muộn phiền
rồi cũng phôi pha


Đây cũng lại là một bài thơ rất gợi, gợi về những mùa trong năm tháng cũ. Bài thơ đem đến một cảm giác buồn vui lẫn lộn: tháng năm và những con đường tím, muộn phiền rồi cũng phôi pha. Rồi một lời hứa hẹn với mẹ (cha) già: xin hãy đợi con, tháng tư nắng, bài thơ hạnh ngộ. Đối với riêng tôi, bài thơ này rất Tưởng Dung.
Và cuối cùng là 
Bài 4 từ những tựa thơ của Kiên Giang:

tím

khói trắng
xe trâu
theo chân ngoại lượm trái
mù u
màu áo tím
chậu nhỏ đựng đầy
hồn cố thổ
đồng xu giấy chặm
màu mực tím
chuyến tàu đời
hoa trắng
thôi cài
trên áo tím
Hình: Trịnh Kim Điền

Đối với bài thơ này thì nếu tôi không nói thì chắc quý vị cũng thấy được cái chất mộc mạc, những cảm xúc tinh tế, những hình ảnh rất Việt Nam, và những sắc tím mênh mông man mác của một miền quê, miền nhớ, đời học sinh trong một thuở hoa niên. Đó là chất của Kiên Giang, với nồng độ rất đậm: khói trắng, xe trâu, theo chân ngoại lượm trái mù u, màu mực tím. Một bạn thơ của tôi ở nước ngoài nói rằng, câu này làm ông nhớ Việt Nam quê nghèo của mình đến phát khóc. Chẳng là ngày xưa, sáng nào ông cũng đi lượm trái mù u. Và cái ông già đầu bạc trắng ấy khóc hu hu qua Skype. Mấy tụi tôi chỉ biết nắm tay nhau im lặng. Trong lòng ai cũng có một màu tím.

Tôi chưa từng quen biết các thi sĩ trên bao giờ, nhưng với các bài thơ ghép ở trên, tôi có cảm giác thật thân thuộc với họ, tôi như cảm nhận được cái phong thái – tâm tình của các vị đó. Tôi mường tượng như đó là “chất” của quý vị ấy. Nếu thật như vậy thì, tháng 8 âm lịch này, nhân giỗ lần thứ 25 của thầy tôi, tôi sẽ về bên mộ người, thắp nén nhang trầm và nói: Thưa Thầy, Thầy đã đúng! 

Xin chúc quý vị thân hữu gần xa được nhiều sức khỏe. Hẹn gặp lại quý vị trong những bài sau.
Trân trọng.
Hoàng Anh Dũng – 04/7/2012

0 nhận xét:

Đăng nhận xét