Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Tự Do YÊN

im ngã xuống sau những lần bị đạp

Thơ bay lên từ những mảnh hóa vàng 


Ngô Tịnh Yên

 

KIM DUNG & NGÔ TỊNH YÊN

- HOÀNG ANH DŨNG -
 
Thuở đó, Duy Sơn Lão Nhân – thầy tôi – không quan tâm lắm đến Lý Tiểu Long, ngôi sao phim võ thuật đang làm mưa làm gió cả thế giới – mà chỉ quan tâm đến những nhân vật trong các bộ kiếm hiệp của Kim Dung. Thầy thường kể cho tôi nghe về những triều đại phế hưng, những vị anh hùng hiệp khách, những mối tình éo le và những pho võ công tuyệt đỉnh.
 
Bởi vậy trong tuổi thơ của tôi, tôi luôn hóa thân mình là một Trương Vô Kỵ đa tình trong Cô Gái Đồ Long, hay một Lệnh Hồ Xung phong sương trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Thuở đó, tôi luôn mơ tới một quận chúa Triệu Minh, hay một nàng Nhậm Doanh Doanh con gái của Giáo Chủ Ma Giáo Nhậm Ngã Hành.
Nhưng nàng ni cô Nghi Lâm học trò của Duyệt Tuyệt Sư Thái mới là một nhân vật đặc biệt làm tôi cảm động vì tình yêu thầm lặng với Lệnh Hồ Xung. Thuở đó tôi yêu nàng Nghi Lâm nhất! Tôi từng thầm nghĩ nếu mình là Lệnh Hồ Xung sẽ xin Nhậm Doanh Doanh cho cưới thêm… ni cô Nghi Lâm! Tôi đem chuyện này kể cho nhỏ Bích Thủy nghe, nó nói tôi là kẻ… háo sắc! Nhỏ nói yêu Nghi Lâm thì đi làm Hòa Thượng đi! Một cuộc tình duyên kinh với kệ. Phảng phất giống mối tình giữa một khách thập phương với chú tiểu Mộc (giả nam trang) trong Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng. Nhưng chỉ là phảng phất thôi! Mãi tới mấy chục năm sau tôi mới tìm thấy sự sẻ chia của Ngô Tịnh Yên trong mấy câu thơ sương khói:  

Khoảnh khắc đời như có như không
Em thành mõ gõ lời kinh tình ái 


 
Thuở đó, một vị thầy khác của tôi – một vị sư trẻ – nghe tôi kể hấp dẫn quá, cũng đâm ra mê ni cô Nghi Lâm xinh đẹp, cũng nhờ tôi thuê về mấy bộ Kim Dung để đọc. Vị thầy này suýt nữa bị sư trụ trì đuổi khỏi chùa vì trở thành chuyên gia ngủ gật trong giờ công phu mỗi đêm lúc 3g sáng! Nghe nói bị mấy chú tiểu đi méc sư phụ! Bẳng đi mấy chục năm, một hôm tình cờ gặp nhau quán bên đường, thầy nói: Tau về tục lâu rồi mi ạ, mà chẳng tìm đâu ra một ni cô Nghi Lâm như mi nói cả! (Ơ hay! Tôi có nói hồi nào đâu, cái nhà ông Kim Dung tả cô Nghi Lâm đấy chứ!)
Thầy tôi – Duy Sơn Lão Nhân – đã ra người thiên cổ lâu rồi. Còn tôi trên trần thế bao la này, mỗi lần về ngang mộ thầy, chập choạng trong bóng hoàng hôn, tôi tưởng như vẫn nghe thấy thầy kể về Lệnh Hồ Xung và ni cô Nghi Lâm.


Thời gian qua đi, tôi ngồi đây, chiều nay tự hỏi: Nghi Lâm ngày xưa giờ ra sao nhỉ?
Bỗng dưng lại nhớ đến những vần thơ cô liêu tuyệt tác cũng của NTY:


lặng lẽ hát trong cây
lũ dế mèn rung dây đàn cổ
lúc chợt nghe lại ca khúc cũ
những tình khúc của một đời thương nhớ
người yêu... có thể là một mảnh sao cựa mình trong vũ trụ
dấu lặng bất ngờ của một mùa hạ chưa xa
khoảnh khắc đời như một sát na
em nở đóa vô vi tận duyên kiếp 


 
Ngày xưa khi Kim Dung viết Tiếu Ngạo Giang Hồ, phải chi ông làm được những câu thơ như NTY thì hay biết mấy! Bởi đó là những câu thơ gợi lên và chia sẻ lòng can đảm trong tình yêu, trong cuộc đời. Cuộc đời của rất nhiều người thuở đó đã không sầu muộn.
Vị sư trẻ ngày xưa của tôi thuở đó đã không sầu muộn. Nhỏ BT của tôi thuở đó đã không sầu muộn, đã không lấy thằng N. (vì thương thầm nhau nhưng gặp nhau sao chỉ nói đến Nghi Lâm!). Nghi Lâm là ai nhỉ? Đâu bóng? Đâu hình? Hay bóng chính là hình? Hay hình chính là bóng? Chuyện xưa, giờ biết ra thì đã muộn. Một kiếp mưa rừng.
Biết đến khi nào nở đóa vô vi, nhưng tôi sẽ nhớ nhỏ Nghi Lâm tận kiếp! 

HOÀNG ANH DŨNG
Cuối Thu 2012
  
NI CÔ NGHI LÂM



 Nghi Lâm (儀琳, Yi Lin) là một ni cô tu hành, đệ tử của Duyệt Tuyệt Sư Thái phái Hằng Sơn, dáng vẻ rất kiều diễm. Cô là người tạo ra một mối tình câm lặng đặc biệt với nhân vật chính là Lệnh Hồ Xung. Trong một lần xuống núi Hành Sơn, Nghi Lâm bị Điền Bá Quang bắt cóc. Khi Điền Bá Quang mang Nghi Lâm vào hang núi thì Lệnh Hồ Xung xuất hiện, xả thân mình cứu cô. Sau tai nạn này, Nghi Lâm đã thầm yêu Lệnh Hồ Đại Ca, thậm chí còn khóc vì ghen khi nghe Lệnh Hồ Xung kể về mối tình với tiểu sư muội Nhạc Linh San! Nghi Lâm đã tương tư Lệnh Hồ Xung đến mức héo hon sầu muộn, nhưng lại luôn cầu chúc cho tình yêu của người sư huynh này. Nghi Lâm không chỉ yêu mà còn tỏ ra là một người thấu hiểu nỗi lòng, bản tính và ước muốn của Lệnh Hồ Xung. Đồng thời cũng là người luôn ủng hộ, tin tưởng mọi hành động, ứng xử của Lệnh Hồ Xung. Ngay cả khi Lệnh Hồ Xung bị Nhạc Bất Quần vu oan, mang tiếng xấu ở khắp bạn hữu giang hồ thì cô vẫn luôn tin vào người sư huynh trong sáng này, và luôn cầu Bồ Tát phù hộ cho chàng. Nghi Lâm còn dành cho Lệnh Hồ Xung một sự quan tâm thầm lặng như một người vợ luôn dõi theo từng bước chân của chồng mình. 

Đoạn mô tả cuộc tỷ đấu đoạt chức Minh chủ Ngũ Nhạc Kiếm Phái thể hiện rất rõ mối quan tâm thầm lặng này của Nghi Lâm: "Lúc này trên đỉnh núi Tung Sơn mấy ngàn người đều chăm chú theo dõi cuộc tỷ võ trên Phong Thiền Đài. Duy chỉ có đôi mắt của Nghi Lâm là trước sau vẫn dán chặt vào Lệnh Hồ Xung ngoài ra nàng chẳng quan tâm đến chuyện chi hết". Sau này, khi biết về tình yêu giữa Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh, cô cũng vẫn hết lòng ủng hộ họ dù trong lòng đầy đau khổ. Khi Lệnh Hồ Xung trở thành chưởng môn phái Hằng Sơn – tức là môn phái mà Nghi Lâm đang tu tập – thì nàng ni cô sầu muộn này lại càng bị lún sâu vào tương tư trong mối tình câm lặng không thể nói lên lời. Cô đã đêm đêm tâm sự với Á Bà Bà (người đàn bà câm điếc) quét chùa trên chùa Huyền Không về mối tình của cô, về những ước mong cho Lệnh Hồ Xung. Mối tình của Nghi Lâm là mối tình một chiều không cầu Lệnh Hồ Xung đáp lại, chỉ mong những điều tốt đẹp sẽ đến với người mình yêu. Những mong muốn của Nghi Lâm luôn hướng trực tiếp vào Lệnh Hồ Xung. 

Cầu mong những điều tốt đẹp đến với chàng, mong chàng một đời tiêu dao nhàn nhã, không bị điều gì ràng buộc và ngay khi chàng kết hôn với Nhậm Doanh Doanh rồi, Nghi Lâm vẫn mong Doanh Doanh đừng câu thúc Lệnh Hồ Xung. Đem tâm lý người thường xem xét tình yêu của Nghi Lâm thì không ai hiểu được. Như Nghi Lâm đã từng tâm sự với Á bà bà: "Gia gia không hiểu lòng tiểu ni! Các vị sư tỷ Nghi Hòa, Nghi Thanh cũng đều không hiểu lòng tiểu ni!". Đoạn cuối truyện, Nghi Lâm đã nói với Á Bà Bà về tình yêu của mình: "Bà bà ơi! Bà bà không hiểu lòng dạ tiểu ni. Hễ Lệnh Hồ Đại Ca được sung sướng là tiểu ni vui lòng rồi!” Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Tôn Nhan cảm khái rằng:
Chuông khuya dẫn mối sầu vềGiọt buồn ai để rơi nhòe trang kinh 
Ghi chú : Trong chuyển thể điện ảnh thì Hà Mỹ Điền là diễn viên thể hiện rõ nhất tính cách của Nghi Lâm, cùng với Lữ Tụng Hiền vai Lệnh Hồ Xung – trong phim Tiếu Ngạo Giang Hồ - bản 1996.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét