Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Con trai con gái - Phần 3

Boys and Girls
Alice Munro
Nguyễn Đại Hoàng chuyển ngữ
 

Tôi quên chưa kể chuyện ăn của lũ cáo. Nhưng chiếc tạp dề còn lốm đốm những vệt máu mà cha tôi mặc, khiến tôi nhớ ra chuyện đó.

Lũ cáo còn được nuôi bằng thịt ngựa. Chuyện là, vào thời đó hầu hết nông dân vẫn còn dùng ngựa, và khi mà ở đâu đó có một con ngựa quá già hết không làm việc được, hoặc là bị què, hoặc là bỗng dưng quỵ xuống rồi không đứng lên được nữa, như vẫn thường thấy, thì người chủ sẽ gọi cho cha tôi, và ông sẽ cùng chú Henry lái một chiếc xe tải đến trang trại đó.

Thường thì cha tôi và chú Henry sẽ bắn chết và làm thịt con ngựa ngay tại chỗ, rồi trả cho nhà chủ từ 5 đến 12 đô la. Nhưng nếu ở nhà còn quá nhiều thịt, thì họ sẽ chở con ngựa sống về, đưa nó vào chuồng, nuôi thêm vài ngày hay vài tuần nữa, cho đến khi thực sự cần thịt cho cáo ăn. Ngoài ra, sau chiến tranh, nông dân mua máy kéo, và dần dần bán ngựa đi, vì chúng hầu như không còn công dụng gì nữa. Và nếu việc mua bán ngựa diễn ra trong mùa đông, chúng tôi sẽ lưu giữ chúng trong chuồng cho đến mùa xuân, bởi chúng tôi cũng có nhiều cỏ khô cho chúng ăn, và cũng bởi, nếu tuyết đổ nhiều - mà xe máy cày không phải lúc nào cũng đủ có thể dọn sạch đường sá - thì việc đi xuống thị trấn bằng xe ngựa kéo quả là tiện lợi.

Mùa đông năm tôi mười một tuổi thì nhà chúng tôi có hai con ngựa như thế. Chả biết chủ cũ đặt tên gì, nhưng chúng tôi cứ gọi chúng là Mack và Flora. Mack là một con ngựa già, không mấy thân thiện, đen bóng như mồ hóng, thuộc giống ngựa kéo. Còn Flora là một con ngựa cái, lông màu nâu đỏ, thuộc giống ngựa cưỡi.

Chúng tôi dùng cả hai con để kéo xe. Mack chậm chạp nhưng dễ khiển. Còn Flora ưa dở chứng, có khi nó nhảy chồm qua những chiếc xe hơi và cả những con ngựa khác nó gặp trên đường, nhưng chúng tôi kết tốc độ và bước sãi của nó, và chúng tôi cũng rất thích cái dáng dấp mạnh mẽ bạo liệt và phong trần của nó.

Thường thứ bảy chúng tôi xuống chuồng ngựa, và ngay khi chúng tôi mở cửa bước vào cái nơi tối tăm nóng bức và nồng nặc mùi ngựa đó thì con Flora hất đầu lên, mắt đảo qua đảo lại, hí lên một cách tuyệt vọng, lên cơn kích động ngay lập tức. Khi đó mà lò dò đi vào chỗ con Flora là không an toàn chút nào, không khéo sẽ bị nó đá, chết chắc!

Cũng trong mùa đông này, tôi bắt đầu phải nghe nhiều hơn về "chủ đề " mà hôm nọ mẹ tôi nhắc đến trong buổi trò chuyện trước nhà kho. Tôi thấy tôi không còn được yên ổn nữa rồi. Làm như đầu óc của mọi người trong cái nhà này đã ngấm ngầm một ý tưởng dứt khoát, không trệch hướng về chủ đề nói trên.

Cái từ "con gái", trước đây, đối với tôi, là ngây thơ, là hồn nhiên, chả có ẩn ý sâu xa gì cả, và cũng bình thường như từ "đứa trẻ" thôi. Nhưng giờ đây từ này có vẻ không còn giống như vậy nữa rồi.

Chẳng đơn giản như tôi vẫn nghĩ, hóa ra, "con gái"  không phải là những gì tôi hiện có, mà là những gì tôi phải trở thành! Đó là một định nghĩa luôn luôn được nói đến với sự nhấn mạnh, quở trách và thất vọng. Cũng có khi đó là một đề tài để châm chọc tôi.

Thí dụ có một lần tôi và Laird gây sự đánh nhau, và đây có lẽ là lần đầu tiên tôi phải dùng hết sức mình để chống lại nó, vậy mà chỉ trong nháy mắt, cái thằng quái ấy đã giữ chặt được tay tôi đau hết sức, và hết cục cựa. Thấy vậy, chú Henry cười chọc quê: "Rồi cũng có ngày thằng Laird cho nhỏ này biết tay mà, không lâu đâu!". Đúng là thằng Laird đang lớn nhanh thật. Nhưng mà tôi cũng đang lớn lên đấy thôi.

Rồi khi bà tôi tới ở chơi với chúng tôi vài tuần, tôi lại có dịp nghe bà ca cẩm những điều "khôn ngoan" khác nữa. "Con gái không dập cửa như thế! Con gái phải ngồi khép chân lại!". Càng tệ hơn khi tôi thắc mắc điều gì đó, thì câu trả lời sẽ là: "Không phải chuyện của mấy đứa con gái!". Nghe thế nhưng tôi vẫn tiếp tục vẫn dập cửa, vẫn tiếp tục ngồi thoải mái, và tôi cho là bằng vào thái độ phản kháng của tôi, tôi sẽ giữ được tự do cho riêng mình.

Khi mùa Xuân đến, những con ngựa được thả ra trước sân nhà kho. Con Mack đứng cọ cọ vào tường, tìm cách gãi cổ gãi hông, còn con Flora thì chạy nhảy tứ tung, đạp cả hàng rào, móng guốc gõ linh kinh lốc cốc trên đường.

Những tảng tuyết tan mau để lộ ra màu đất nâu xám, người ta lại nhìn thấy những hình thù  nhấp nhô quen thuộc của vườn tược đất đai, quang đảng và trơ trụi, sau một mùa đông khắc nghiệt.  Thật là một cảm giác khoáng đạt và giải thoát. Chúng tôi bỏ giày và mang dép cao su, để thấy đôi chân mình nhẹ tênh một cách lạ kỳ.

Rồi một thứ bảy khi chúng tôi ra chuồng ngựa, thì nhận ra một điều bất thường là mọi cánh cửa đều được mở ra, ánh nắng và khí trời thanh khiết ùa vào tràn ngập khắp nơi.

Chú Henry ở đó, chú đang ngó lướt qua những tập lịch chồng chất sau dãy chuồng ngựa, nơi có lẽ mẹ tôi chưa hề đặt chân tới lần nào.

"Này muốn nói lời tạm biệt với anh bạn già Mack không mấy nhóc?". Chú Henry nói. "Đây, cho nó chút yến mạch đi". Nói rồi chú đổ một ít yến mạch vào đôi bàn tay khum khum của Laird, và thằng bé chạy đi cho Mack ăn. Hàm răng của Mack đã quá rệu rã. Nó ăn rất chậm, nắm yến mạch cứ trệu trạo qua lại trong miệng, cố nhai mà không được. "Ôi Mack già nua tội nghiệp", chú Henry nói với giọng nghèn nghẹn. "Răng long coi như xong! Quy luật muôn đời là vậy!".

"Hôm nay bắn nó hả chú?". Tôi hỏi. Thì ra Mack và Flora đã lưu lại ở đây lâu đến nỗi tôi gần như không nhớ ra là trước sau gì chúng cũng sẽ bị bắn.

Chú Henry không trả lời tôi. Mà chú hát, một giọng hát cao cao, rung rung, buồn buồn, têu tếu. "Ôi thôi rồi chú Ned tội nghiệp ơi. Chú về nơi người da đen tốt bụng đã xa chơi ...". Con Mack vẫn khó nhọc thè chiếc lưỡi dày đen, thô ráp, nhặt từng hạt yến mạch trên tay Laird. Và tôi phải chạy ra ngoài trước khi bài hát sầu thảm đó chấm dứt, rồi tôi ngồi xuống doi đất cầu tàu.

Từ nhỏ tới giờ, tôi chưa bao giờ thấy cảnh bắn ngựa, nhưng có lẽ tôi biết chỗ họ bắn nó. Thì mới hè năm ngoái đây thôi, tôi và thằng Laird đã trông thấy một bộ ruột ngựa trước khi người ta đem chôn nó đi. Thoạt đầu tôi cứ ngỡ đó là một con rắn lớn màu đen, nằm cuộn mình trong ánh nắng. Chỗ đó thuộc khu vực cánh đồng dẫn đến nhà kho. Thành thử, nếu chúng tôi lẻn được vào trong nhà kho,thì qua một vết nứt hay lỗ khóa, chúng tôi có thể thấy cảnh bắn con ngựa. Thực ra tôi cũng ớn xem lắm, nhưng nếu trước sau gì cũng phải biết, thì xem ngay bây giờ cũng vậy thôi.

Cha tôi từ trên nhà cầm khẩu súng đi xuống.

"Này mấy con làm gì đây thế?" Ông hỏi.

"Dạ không có gì ạ!"

"Không có gì thì về nhà chơi đi!".

Cha tôi kêu thằng Laird ra khỏi chuồng ngựa. Tôi liền nói với nó. "Này mày có muốn thấy họ bắn con Mack không đấy?". Rồi không đợi nó trả lời, tôi dẫn nó vòng qua phía trước cửa nhà kho, khẻ mở cửa bước vào. "Im thin thít nhé, họ nghe thì chết đấy". Tôi thì thào với Laird. Tôi nghe tiếng cha tôi và chú Henry nói chuyện trong chuồng ngựa, hồi sau lại nghe tiếng bước chân kéo lê nặng nề của con Mack đang được dắt ra khỏi chuồng.

Cái xó nhà kho này  quả là tối và lạnh kinh khủng. Ánh mặt trời theo những khe hở lọt vào tạo thành những tia sáng thanh mảnh đan qua đan lại khắp nơi trong nhà kho. Đống cỏ khô bị trài ra thấp chủn. Nhìn ra ngoài, qua khe hở, chúng tôi thấy thấp thoáng bóng làng xóm, đồi cao và thung lũng. Cách đầu chúng tôi khoảng hơn một thước có một cây xà bắc qua hai bức vách. Thế là chúng tôi vun đống cỏ khô cho cao lên, đứng lên đó, rồi tôi đẩy cho Laird leo lên cây xà, xong kéo tôi lên luôn. Vì bề ngang cây xà không lớn lắm, nên chúng tôi phải vịn cả hai tay vào tường và nhích dần trên đó, vách nhà kho có khá nhiều khe hỗng, và tôi tìm được một khe hỗng có thể nhìn thấy một góc sân nhà kho, thấy cánh cổng, và thấy một phần của cánh đồng. Nhưng thằng Laird thì không tìm được. Vì vậy nó bắt đầu càu nhàu. Tôi bèn chỉ cho nó một khe nứt rộng giữa hai tấm ván. "Này im và đợi chứ. Họ nghe thì rắc rối to đấy!".

Đầu tiên chúng tôi thấy cha tôi cầm khẩu súng. Kế đến là thấy chú Henry dong con Mack theo sau. Chú buông lỏng dây cương để lấy giấy vấn và thuốc lá vụn, chú vấn hai điếu cho cha tôi và chú. Trong thời gian đó  thì con Mack cứ sục mõm vào trong đám cỏ héo úa dọc theo bờ rào. Rồi cha tôi mở cổng và họ dắt con Mack đi ra. Chú Henry dẫn con ngựa đi theo một đường mòn dẫn ra bãi đất trống, rồi họ trao đổi  gì đó với nhau, nhưng không nói lớn nên chúng tôi không nghe được.

Con Mack lại bắt đầu sục sạo tìm một miếng cỏ tươi, nhưng không thấy. Cha tôi bước lùi ra xa theo một đường thẳng đối diện con ngựa, và ông dừng lại ở một khoảng cách mà ông nghĩ là vừa tầm, còn chú Henry cũng bước ra xa con Mack, nhưng là bước qua một bên, tay vẫn cầm dây cương một cách lỏng lẻ chiếu lệ. Cha tôi nâng súng lên, và đúng lúc đó, tự nhiên con Mack cũng ngẩng đầu lên, dường như nó đã biết một điều gì đó sắp diễn ra, rồi cha tôi bóp cò.
   
Con Mack không đổ sụm ngay xuống,  mà còn lảo đảo, chuệnh choạng bên này, bên kia một lúc rồi mới quỵ hẳn. Đầu tiên là đổ sang một bên, rồi sau nằm chổng vó lên trời, cặp mắt như vô cùng ngạc nhiên sững sốt, bốn cái chân cứ chòi chòi vào không khí.

Lúc này bỗng dưng chú Henry lại cười sảng lên làm như con Mack đang diễn một trò gì thú vị cho chú xem vậy. Còn thằng Laird  nãy giờ nín thở theo dõi, đến khi phát súng vang lên, thì nó không còn chịu đựng được nữa, nó thở hắt ra, rồi bất chợt kêu lên: "Trời ơi nó chưa chết!". 

Mới đầu tôi cũng nghĩ Laird nói đúng. Nhưng rồi con Mack dần dần không còn chòi đạp nữa, nó ngoẹo sang một bên, da thịt, cơ bắp rùng rùng lên mấy cái rồi bất động. Hai người đàn ông tới gần nhìn con ngựa một cách bình thường, họ cúi xuống xem xét trán con ngựa nơi viên đạn xuyên qua, và bây giờ tôi mới kịp nhìn thấy máu con ngựa trào ra trên bãi cỏ nâu.

"Bây giờ họ sẽ xẻ thịt lột da nó đây", tôi nói. "Đi thôi Laird! ". Hai chân tôi hơi run run, và tôi cảm thấy mừng khi được nhảy phóc xuống đống cỏ khô. "Vậy là mày đã được thấy người ta bắn một con ngựa như thế nào rồi nhé ". Tôi nói như một lời chúc mừng thằng Laird, làm như tôi đã chứng kiến cảnh ấy nhiều lần rồi vậy. "Thôi tìm thử xem trong nhà kho này có mèo con không nghe Laird!". 

Rồi Laird cũng nhảy xuống. Lúc này trông nó lại có vẻ nhỏ bé và ngoan ngoản như  ngày còn nhỏ. Rồi đột nhiên tôi nhớ lại rằng, hồi nó còn nhỏ, tôi đã từng dắt nó tới nhà kho này, bảo nó trèo từng bậc thang để lên chính cái xà gỗ này. Dạo đó cũng là mùa Xuân như bây giờ, và đống cỏ khô cũng bị trài ra thấp chủn như bây giờ. Tôi làm vậy vì cần có một cảm giác gây sốc, muốn có một chuyện động trời nào đó xảy ra, để tôi có cái mà kể lại.

Lúc đó Laird mặc một cái áo khoác nhỏ kẻ sọc ca rô trắng nâu dày cộm, may cắt lại từ một cái áo cũ của tôi. Thằng bé đã lần mò từng bậc thang leo tuốt lên trên như lời tôi xúi bảo, và ngồi trên cái xà gỗ cách rất xa bên dưới, một bên là đống cỏ khô, còn một bên là sàn nhà kho và một vài cái máy cũ.

Xong tôi chạy ra ngoài và hô hoán lên. "Cha ơi thằng Laird trèo lên xà nhà này !". Cha tôi chạy hộc tốc vào, mẹ tôi cũng hộc tốc chạy vào, cha tôi trèo lên thang, nhẹ nhàng nói chuyện với Laird, rồi từ từ đỡ nó xuống, còn mẹ tôi thì chỉ biết dựa vào cây thang mà khóc. Cả hai đều quát mắng tôi:"Con kia, sao mày không coi chừng em?", nhưng ơn trời, chẳng ai biết sự thật. Còn thằng Laird thì quá nhỏ, có biết đầu cua tai nheo gì đâu.

Năm tháng có phôi phai, nhưng từ đó về sau, cứ khi nào nhìn thấy chiếc áo kẻ sọc ca rô ấy, lúc còn được treo trong tủ áo, hay khi đã thành mớ giẻ rách, thì lòng tôi vẫn trĩu nặng nỗi buồn về một tội lỗi không biết đến bao giờ mới được gột rửa ...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét