Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Con trai con gái - Phần 2

Boys and Girls
Alice Munro
Nguyễn Đại Hoàng chuyển ngữ



Những câu chuyện tự kể của tôi đại khái là những câu chuyện như thế này:

Chuyện tôi cứu người thoát ra khỏi một tòa nhà bị đánh bom (nhưng điều làm tôi hơi lấn cấn là chiến tranh thực tế đã rời xa thị trấn Jubilee lâu lắm rồi!).

Chuyện tôi bắn hạ hai con sói hoang dại đang nhe nanh gầm gừ trong sân trường (trong khi mấy giáo viên khiếp đảm rúm ró nấp sau lưng tôi).

Hay là chuyện tôi phóng con tuấn mã hiên ngang giữa phố chính của thị trấn Jubilee, trong sự tung hô ca ngợi của người dân thị trấn về một số chiến tích không biết có nên gọi là anh hùng hay không nữa (dù rằng ngay cả việc dong ngựa đi qua thị trấn này cũng chưa từng thấy có ai, ngoại trừ King Billy trong cuộc diễu hành ngày lễ Oragenmen).

Trong những câu chuyện của tôi luôn luôn có cưỡi phi ngựa bắn súng, dù thực tế tôi chỉ mới có hai lần "ngồi trên lưng ngựa" mà thôi (nghĩa là chưa có thể gọi là cưỡi - ND)! Lần đầu thì có yên ngựa đâu mà cưỡi! Lần sau thì ngồi chưa yên chỗ tôi đã bị tuột ngay  xuống chân con ngựa, may là con vật này chỉ nhẹ nhàng bước qua tôi! Tôi cũng có đi học bắn đấy, nhưng mà bắn gì cũng trật lất, nói chi đến việc bắn rớt mấy hộp thiếc đặt trên cọc hàng rào!

Lúc sống, lũ cáo quanh quẩn trong thế giới do cha tôi tạo ra. Một thế giới có hàng rào cao bao bọc bốn bề, y như một thị trấn thời trung cổ, với độc một cánh cổng được khóa chặt vào ban đêm. Và dọc theo những con phố của "thị trấn" là những dãy chuồng xếp sát nhau, to lớn và chắc chắn. Mỗi chuồng đều có một cánh cửa để người nuôi ra vào, một cái xà ngang để lũ cáo trèo leo chạy nhảy, rồi đến một cái củi trông giống như cái rương quần áo, với những lỗ thông hơi - đấy chính là nơi lũ cáo trú Đông, và đẻ con.

Những cái dĩa đựng thức ăn và nước uống cho lũ cáo được gắn vào một sợi dây thép theo một cách nào đó để người ta có thể dọn dẹp chùi rửa từ bên ngoài. Dĩa thì được chế lại từ hộp thiếc cũ, còn củi, xà ngang thì tận dụng từ những mẩu gỗ đầu thừa đuôi thẹo nào đó. Nhưng mọi thứ đều hết sức chỉn chu, ngăn nắp, có lẽ bởi cha tôi là người thích chế tạo cái này cái kia, không hề biết chán, Chẳng thế mà cuốn sách gối đầu giường của ông lại là cuốn Robinson Crusoe! Chính ông đã nghĩ ra cách gắn chiếc thùng thiếc vào xe cút kít, để tiện việc chở nước tới khu chuồng.

Chở nước cũng là công việc của tôi trong mùa Xuân, khi mà lũ cáo cần được uống nước ngày hai lần. Một lần vào buổi sáng, trong khoảng từ chín đến mười giờ, và một lần sau bữa ăn tối. Khi đã hứng đầy thùng nước ở máy bơm, tôi đẩy chiếc xe đi qua sân đến khu chuồng thì dừng lại, đổ nước vào từng cái lon dọc theo những lối đi trong khu chuồng.

Laird  cũng đi với tôi, khệ nệ với cái bình tưới nho nhỏ màu xanh nhạt, được đổ quá đầy nước, nên mỗi bước đi, cái bình lại va vào chân nó làm nước trào ra ướt cả đôi giày vải. Tôi thì có cái bình tưới "xịn", cái bình mà cha tôi vẫn dùng, nhưng chỉ có thể xách được ba phần tư bình thôi.

Tất cả những con cáo đều có tên, được in trên một tấm thiếc treo cạnh cửa chuồng. Thực ra, hồi mới sinh, chúng chưa có tên ngay, mà phải đợi đến sau khi chúng còn sống sót qua kỳ thay lông năm đầu tiên, và được chọn bổ sung vào nhóm cáo giống, thì người ta mới đặt tên cho chúng. Những cái tên mà cha tôi hay đặt là Prince, Bob, Wally và Betty.

Tôi thì hay đặt những cái tên Star, Turk, Maureen hay Diana. Còn thằng Laird thì đặt Maude - theo tên một cô làm thuê cho nhà chúng tôi hồi nó còn nhỏ - hoặc là Harold - theo tên một đứa bạn học cùng trường với nó - nó còn đặt một cái tên khác nữa là Mexico, nhưng không nói lý do.

Nhưng đặt tên cho lũ cáo không có nghĩa là xem chúng là thú cưng, hay bất cứ thứ gì gần giống như thế. Thú cưng làm sao được, khi mà ngoài cha tôi ra, thì chả có ai dám bước vào chuồng cáo bao giờ, và chính ông cũng từng bị chúng cắn bị thương hai ba lần rồi.

Mỗi khi tôi chở nước tới khu trại, lũ cáo cứ chộn rộn, chạy lên, chạy xuống trên những lối mòn do chúng tạo ra trong chuồng, nhưng rất ít khi nghe chúng sủa - mà chúng đợi đến đêm, có khi cả bầy cùng tru lên một điệp khúc điên cuồng ảo não - và một điều nữa là chúng luôn quan sát, dè chừng tôi, với những cặp mắt màu vàng thau sáng quắc, trên những khuôn mặt nhọn hoắt hận thù.

Phải nói là lũ cáo trông rất đẹp, với những đôi chân thon gọn, những cái đuôi dài nặng quý phái, và những bộ lông màu sáng pha lẫn một chút tối trên lưng - chính là điều làm nên danh tiếng của loài vật này - nhưng đặc biệt là cặp mắt màu vàng thau, và khuôn mặt của chúng nữa, luôn bộc lộ hết sức rõ ràng một thái độ thù địch dữ dội.

Ngoài việc đem nước cho lũ cáo, tôi còn phụ cha tôi dọn mấy thứ cỏ dại, rau muối, bông bụp gì đấy, mọc đầy xung quanh khu trại. Cha tôi cắt cỏ bằng lưỡi hái, còn tôi cào chúng lại thành từng đống. Rồi ông dùng  chĩa ba hất những đám cỏ vừa cắt lên nóc chuồng vừa làm mát chuồng, vừa tạo bóng râm che cho những bộ lông cáo trắng khỏi bị chuyển thành nâu sậm khi phải phơi nắng quá nhiều.

Gần như cha tôi chẳng chuyện trò gì với tôi, trừ những khi cần trao đổi về công việc mà cha và tôi cùng làm. Về điểm này thì ông khác hẳn mẹ tôi, bởi khi nào mẹ tôi vui, bà lại kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện, về tên của con chó bà nuôi lúc nhỏ, về danh tánh của mấy tên con trai hò hẹn khi bà vừa lớn lên, rồi về những bộ áo váy trông đẹp như thế nào, rồi băn khoăn không biết cảnh cũ, người xưa bây giờ ra sao.

Cha tôi nghĩ gì, làm gì hầu như là chuyện riêng của ông, tôi chả bao giờ dám hỏi một câu vì quá nhút nhát, e ngại. Tuy vậy, trong mắt cha tôi, tôi nghĩ chắc cũng có ít nhiều hãnh diện, vì tôi luôn luôn làm việc hết sức quyết tâm hăng hái. Chẳng vậy mà trong một lần có người bán thức ăn gia súc xuống khu trại để giao dịch với cha tôi, cha nói: "Xin giới thiệu kia là trợ thủ mới của tôi ". Nghe vậy, tôi quay qua chỗ khác, cào cỏ quyết liệt hơn bao giờ hết, mặt đỏ bừng bừng mà lòng vui rộn rã.

Vậy mà cái tay bán hàng ấy lại nói như thế này:

" Ấy, đừng đùa tôi chứ! Nó là con gái mà!".

Khi vụ cắt cỏ vừa xong thì dường như thời điểm cuối năm cũng đã tới sát một bên. Lúc chiều tà, tôi bước đi trên những đám cỏ còn trơ gốc, cảm nhận sắc đỏ úa của bầu trời, trong cái lặng lẽ của một mùa thu đang tới. Và khi tôi đẩy chiếc xe chở nước ra khỏi cổng, khóa lại, thì trời đã tối hẳn. Cũng một đêm như thế này, tôi thấy mẹ tôi và cha tôi đang đứng nói chuyện với nhau trên doi đất nhỏ - mà chúng tôi gọi vui là cầu tàu - ngay trước nhà kho. Lúc đó, cha tôi mới từ chỗ pha thịt bước ra, tay xách một xô thịt vừa cắt, và tạp dề còn lốm đốm những vệt máu khô đặc quánh.

Tôi thấy việc mẹ tôi tới khu chuồng là một điều lạ. Bởi bà ít khi bước chân ra khỏi nhà trừkhi phải làm một việc gì đó - như ra ngoài để phơi phóng quần áo, hoặc ra vườn để đào khoai tây. Bà đứng đó, trông khá khá lạ lẫm, với đôi chân trần nổi đầy gân xanh, không hề cớm nắng, và chiếc tạp dề bị ẩm ướt từ lúc bà chuẩn bị bữa tối vẫn còn choàng quanh bụng bà.

Tóc bà vấn trong chiếc khăn, với một vài lọn lọt ra ngoài. Mỗi sáng bà vẫn thường vấn tóc lên như vậy, và ca cẩm rằng bà không có thời gian để vấn cho kỹ hơn, rồi cả ngày bà vẫn để nguyên như vậy. Và quả thực là bà không có thời gian.

Những ngày đó, sau nhà chúng tôi chất đầy những giỏ đào, nho, lê mua ở thị trấn, còn cây nhà lá vườn thì có cà chua, hành, và dưa chuột, tất cả đang chờ được chế biến thành các dạng nước quả, thạch, mứt, ướp muối, ngâm dấm, hay trộn tương ớt. Nhà bếp đỏ lửa suốt ngày, và nào lọ, nào bình cứ chạm nhau kêu lanh canh lách cách trong nồi nước sôi ngùn ngụt, đôi khi còn thấy một túi vải dài nặng, đựng nước và bã nho xanh, được treo vào một thanh ngang, thòng xuống giữa hai chiếc ghế, để chiết kiệt hết nước nho, đem cô thành nước quả.

Tôi cũng được giao việc ngồi vào bàn lột vỏ đào đã chần nước nóng, hay là thái hành tây, khiến mắt mũi cứ cay sè, và ràn rụa những nước mắt. Thành thử khi việc vừa xong, tôi lập tức lỉnh ra khỏi nhà, cố chạy xa thật xa để không còn nghe tiếng ới ời gì nữa, trước khi mẹ tôi kịp nghĩ ra việc gì đó để giao cho tôi làm tiếp ( ! ).

Tôi không ưa nỗi cái nhà bếp tối tăm nóng nực trong mùa hè, mấy cái rèm cửa màu xanh, mấy miếng giấy bẫy ruồi, chiếc bàn cũ kỹ phủ khăn  bàn dính đầy dầu mỡ, tấm gương dài gợn sóng, và tấm vải dầu phồng rộp loang lỗ.

Mẹ tôi đã quá mệt mõi và ưu tư nên bà chả trò chuyện với tôi, và cũng chẳng còn tâm trí đâu mà kể về lễ hội khiêu vũ trong ngày tốt nghiệp trường Sư Phạm năm nào của bà, mồ hôi chảy thành giòng trên mặt bà, do bà phải kiểm tra đốc thúc việc vàn đến không kịp thở, chỉ trỏ mấy chảo mứt chỗ này, đổ thêm mấy cốc đường chỗ kia. Đối với tôi, công việc bếp núc nội trợ dường như là vô tận, chán ngán, và tầm thường kinh khủng, chẳng bù với công việc ngoài trời của cha tôi mới oai nghi to tát làm sao!

Khi tôi đang lui cui đẩy chiếc xe chở nước vô nhà kho để cất, tôi nghe thấy tiếng mẹ tôi: "Đợi Laird lớn chút nữa ông ạ, đến lúc đó thì ông có trợ thủ chính hiệu thôi mà!".

Tôi không nghe được cha tôi nói gì. Nhưng tôi thấy mừng vì cái cách mà ông đứng nghe mẹ tôi nói, hết sức đàng hoàng lịch sự, y như lúc ông phải tiếp bạn hàng hay tiếp khách, dù ông không dấu được cái dáng vẻ bồn chồn muốn trở lại ngay với công việc đang làm dở. Tôi thấy mẹ tôi chả có việc gì ở đây, và hy vọng cha tôi cũng nghĩ vậy.

Nhưng mà ...mẹ tôi nhắc tới thằng Laird là có ý gì nhỉ? Nó giúp được gì cho ai đâu! Ừ mà cái thằng quái này đang ở đâu? Hẳn là nó đang chơi xích đu đến chán chê mòn mõi, đang vòng vo quanh quẩn đâu đó, hay là đang cố bắt mấy con sâu bướm cũng không biết chừng. Chẳng khi nào nó chịu ngồi yên chờ tôi xong việc cả.

"Và tôi cũng được đỡ dần một tay chứ  ... ". Tôi nghe tiếng mẹ tôi nói. Cái cách mà bà nói về tôi với vẻ phiền muộn trách móc làm tôi thấy khó chịu kinh khủng. "Đấy ông xem, tôi vừa mới quay lưng có một chút là nó biến đi liền. Làm như trong cái gia đình này tôi chẳng có đứa con gái nào sất! ".

Tôi tới ngồi trên một bao thức ăn gia súc, ở một góc nhà kho, tôi chả muốn gặp ai khi cuộc nói chuyện chưa kết thúc. Mẹ tôi, trong suy nghĩ của tôi, là không thể tin được (!). Đồng ý là bà thân ái hơn cha tôi, và cũng dễ chia sẻ hơn cha tôi, nhưng làm sao mà có thể đặt hết niềm tin vào bà được, bởi lý do thực sự của những điều bà nói và những điều bà làm thì có trời mới biết!

Bà thương tôi, hẳn là vậy rồi, nếu không thì làm sao mà bà có thể ngồi thâu đêm để may cho tôi một chiếc váy cầu kỳ kiểu cách, để tôi mặc trong ngày khai trường được, nhưng nói của đáng tội, bà cũng không khác kẻ thù của tôi là mấy! Dường như bà luôn có những mưu mô toan tính gì đó. Có lẽ là toan tính bắt tôi ở trong nhà nhiều hơn - dù bà biết tôi không thích điều đó, hay là bởi vì bà biết tôi không thích điều đó nên bà làm vậy cũng nên!- để ngăn không cho tôi làm việc cùng cha tôi nữa.

Tôi nghĩ điều đó có lẽ xuất phát từ tính bảo thủ cố hữu của bà, hay cũng có thể là do bà muốn thể hiện quyền hành của bà trong cái nhà này. Vậy thôi chứ không có chuyện cô đơn hay ganh tị gì ở đây đâu. Người lớn ai lại thế! Mọi sự an bài hết rồi mà! Vậy là tôi cứ ngồi lì trong đó, hai gót chân đung đưa đá đá mãi vào một bao thức ăn gia súc, mặc cho bụi bay mù mịt, đợi cho đến khi mẹ tôi không còn ở đó nữa.

Nhưng nói gì thì nói, tôi không tin là cha tôi lại quan tâm đến những điều mẹ tôi nói. Có ai mà tưởng tượng được rằng cái thằng Laird lại có thể làm thay công việc của tôi kia chứ? Tin rằng nó nhớ khóa cửa chuồng à? Tin rằng nó biết cách kỳ cọ các dĩa đựng nước bằng cái que cột lá cây à? Hay là tin cả cái việc nó có thể đẩy chiếc xe chở nước mà không bị đổ nhào à? Những điều mẹ tôi nói chỉ cho thấy một điều, bà hầu như mù tịt về công việc thực sự ở trại nuôi cáo này!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét