Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Con trai con gái - Phần 1

Boys and Girls
Alice Munro
Nguyễn Đại Hoàng chuyển ngữ

Dẫn :  
1. Boys and Girls  là một truyện ngắn  xuất bản cách đây gần 50 năm (1968 ), của nhà văn nữ người Canada, Alice Munro - người vừa đoạt giải Nobel Văn Chương hồi tháng 10 vừa qua. Và cũng như phần lớn truyện ngắn khác của bà, Alice Munro đã xây dựng Boys and Girls  với rất ít nhân vật và tình tiết. Tuy nhiên điều đó không hề làm giảm đi sức cuốn hút của câu chuyện. Mà có thể là ngược lại.

Nữ văn sĩ Alice Munro được trao giải Nobel văn chương 2013

Boys and Girls được viết dưới dạng một câu chuyện kể. Người kể  chuyện là một cô gái không được tác giả đặt tên, và cô cũng là nhân vật chính của câu chuyện. Đó là câu chuyện kể về sự phản kháng của một cô gái trẻ trong một xã hội phân biệt giới tính, cộng thêm những khuôn mẫu truyền thống khắc nghiệt mà nữ giới phải theo. 

Câu chuyện lấy bối cảnh năm 1940, trong một trại nuôi cáo, ngoại vi thị trấn Jubilee, Ontario, Canada.  Đó là thời kỳ mà phụ nữ chỉ được xem như một công dân hạng hai, nhưng người dẫn chuyện không chấp nhận vị trí này, và mầm móng đấu tranh của cô  đã manh nha ngay từ hồi còn ở trang trại nuôi cáo của gia đình.

Sự sáng tạo lớn nhất - chưa nói đếu yếu tố  bút pháp, văn phong - của Munro là  việc mô tả một cách tinh tế và cực kỳ sinh động về sự kém cạnh  yếu thế  bị mặc định bởi xã hội và gia đình của nhân vật chính so với em trai của cô, người có tên là Laird, một từ đồng nghĩa với từ  " God " - tức Chúa Tể. Cái tên này được Munro đưa ra một cách có chủ đích, với ngầm ý rằng từ ngay lúc sinh ra, đứa bé trai đã tự nhiên được coi như vượt trội cô chị của mình rồi. 

Người cha trong câu chuyện là một nông dân nuôi cáo, rồi đến mùa thu hay  đầu mùa đông ông giết chúng, lột da đem bán cho các hãng buôn lông thú. Một công việc đáng sợ chỉ dành cho nam giới. Vậy mà cô gái lại rất yêu thích công việc của cha mình.Và cô đã giúp ông rất đắc lực và nhiệt tình. Dù rằng : Gần như cha tôi chẳng chuyện trò gì với tôi, trừ những khi cần trao đổi về công việc mà cha và tôi cùng làm. Nhưng cô cũng nhận ra tín hiệu tốt từ phía người cha :..... Tuy vậy, trong mắt cha tôi, tôi nghĩ chắc cũng ít nhiều hãnh diện, vì tôi đã luôn làm việc hết sức quyết tâm hăng hái.  

Kết quả là cô trở nên chán ghét công việc bếp núc, nghĩa là, phần nào đó, làm bà mẹ khó chịu, và hụt hẫng. Cô diễn tả công việc nhà bếp là vô tận, và coi công việc ngoài trời của cha là oai nghi to tát. Những tâm tư tình cảm, những bức xúc, những ước vọng của cô gái - nhân vật chính - đã không chỉ là của một cô gái, mà có thể là của nữ giới nói chung. 

Nhân vật chính của câu chuyện bắt đầu nhận ra quan điểm xã hội của thời cô khi cha cô giới thiệu cô với người bán hàng,  ông  đã giới thiệu cô là  " người trợ thủ mới ".  Cô vui mừng đến đỏ cả mặt. Thế nhưng cô rất buồn khi người bán hàng nói rằng " Ấy, đừng đùa tôi chứ ! Nó là con gái mà !". Và đó không chỉ là  nhận định của một cá nhân đơn độc, mà còn là đánh giá công khai của cả một xã hội về nữ giới. Một sự khinh miệt có tính chất bản năng và tập tục.

Rồi những lời nhắc nhở, bảo ban thường xuyên của mẹ, của người bà làm cô thấy tình hình không còn yên ổn nữa. Nhưng cô vẫn giữ những thói quen tự do cũ. Nói cách khác , cô không sẵn sàng để chấp nhận sự đánh giá thấp bản sắc giới tính của cô. Cô muốn khẳng định sức mạnh của chính cô - một cô gái.

Trong Boy and Girls, người kể chuyện cũng không phải là người duy nhất có liên quan đến vấn bản sắc giới tính. Laird, em trai của cô cũng đang mong muốn, và được mong muốn là có thể thực hiện những công việc của đàn ông. 

Người kể chuyện đã nnghe trộm được điều mà mẹ cô nói với cha cô. " Đợi Laird lớn thêm ít nữa ông ạ, đến lúc đó thì ông có trợ thủ chính hiệu thôi mà ! ". Và " Và chuyện bếp núc nhà cửa thì tôi cũng được nhờ nhiều hơn chứ ...

Câu nói trên thể hiện nguyện vọng thầm kín của gia đình cô vào Laird để nối nghiêp cha.  Còn câu nói dưới thể hiện tư tưởng phải khép nữ giới vào công việc của cái gọi là " công việc của đàn bà con gái ".  Cô thấy rõ  sự khác biệt đó  và sự ganh tỵ của cô đã  ngày càng lớn dần để biến thành sự phản kháng. 

Cô đã từng xúi Laird - hồi còn nhỏ - leo lên thang cao, ngồi trên xà nhà, vô cùng nguy hiểm. Cô tin rằng thằng em sẽ bị la, Thế nhưng cuối cùng chính cô lại bị trách mắng. Điều này nhấn mạnh tính tiêu chuẩn, hoặc là sự phân biệt rõ nét  giữa hai giới tính trong gia đình và trong xã hội. 

Việc khẳng định tính cách, cũng được thể hiện qua câu chuyện hằng đêm của người kể chuyện. Cô cùng ngủ một phòng với đứa em trai, và khi nó ngủ rồi, cô kể lại những câu chuyện của mình. Trong những câu chuyện này, cô tưởng tượng mình là một anh hùng, táo bạo và dũng cảm, và ai cũng ngưỡng mộ tung hô mình. Những câu chuyện này đại diện cho lớp phụ nữ mong muốn trở nên mạnh mẽ và độc lập, thế nhưng đó là điều hoàn toàn trái ngược với khuôn mẫu " con gái " mà gia đình cô mong muốn cô trở nên như thế.

Một ví dụ khác  cho sự đấu tranh của nhân vật chính về tính cách, là câu chuyện về con ngựa Flora. Khi sắp bị bắn thì con ngựa vùng chạy được. Người kể chuyện ở ngay cổng và người ta đã gào thét cô đóng cửa lại. Chuyện đó quá dễ dàng, nhưng cô lại cố tình để cho con ngựa chạy thoát. Sự giúp đỡ của người kể chuyện đối với Flora đã thể hiện quan điểm về tự do.Cô đã chống lại cha cô, nghĩa là cô chọn bản sắc của mình- độc lập và không phục tùng. 

Khi  được Laird tiết lộ chính cô con gái của mình đã mở cổng, người cha sau cơn kinh ngạc cũng chỉ thốt lên  : " Không có chuyện gì đâu, vì nó là con gái mà ! ".  

Nhưng chính cô gái cũng dần dần mất đi niềm hứng thú với công việc của cha mình, cô bắt đầu chấp nhận giới tính của mình, bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới vẻ ngoài của mình, trang trí căn phòng của mình. Và những câu chuyện tự kể hằng đêm bây giờ tập trung nói đến nhan sắc, ngoại hình và các chàng trai, hơn là những nhân vật anh hùng, hàng động anh hùng mà cô đã hóa thân vào trong những câu chuyện tự kể trước đây.

" Một cô gái không đơn giản chỉ là những gì tôi hiện có, mà là những gì tôi phải trở thành ". Lời tuyên bố đơn giản này của người kể chuyện đồng thời cũng tổng kết ý chính trong Boys and Girls - tìm kiếm và chấp nhận bản sắc. 

Một cái kết để lại thật nhiều suy nghĩ. Một cái kết nhưng không kết. Nó chỉ là một cái kết như bao nhiêu cái kết tạm thời của đời người, của phận con trai, con gái trong cái thế giới không phải là thế giới của Munro " một thế giới theo hình dung của tôi, hiện hữu nhiều cơ hội cho sự dũng cảm, mạnh mẽ và hy sinh, những điều không hề có trong thế giới tôi sống hôm nay ".

2.  Alice Munro được vinh danh như là  " một trong các nhà văn đương thời về văn học " , hay là " bậc thầy về truyện ngắn hiện đại ", hoặc như Cynthia Ozick đã nói " Tchekhov của chúng ta ", và nhận định chung của giới văn học là bà có những " truyện ngắn cảm động dễ hiểu "...., những điều đó dễ dẫn đến hiểu nhầm, về mặt dịch thuật, là dễ dịch

Tôi đã chứng nghiệm được sự hiểu nhầm đó trên chính tôi khi thử đọc và dịch một số truyện ngắn của bà. Tôi chỉ có thể nói rằng, truyện của bà vừa dễ hiểu vừa dễ dịch, nhưng cũng vừa không dễ hiểu, không dễ dịch. Nó có một sự tương đồng, hoặc là một sự hòa hợp nào đó giữa giọng văn của Hồ Biểu Chánh và Nguyễn Hiến Lê  ( ! ). Một lối dẫn chuyện khi thì thô mộc cứng rắn, khi thì tinh tế, diễn cảm lạ thường. 

Có rất ít nhân vật, rất ít chi tiết trong hầu hết truyện ngắn của bà, và đó là một rào cản không nhỏ cho người đọc khi cố gắng nhìn vào đằng sau số tính cách, và cả số phận nữa của con người, cũng như nhìn sâu vào bên trong những sự việc rời rạc, tưởng như chẳng dính dáng gì với nhau, nhưng hóa ra lại liên kết với nhau rất chặt chẽ, theo nhiều hướng, nhiều tầng và có thể là nhiều nghĩa khác nhau nữa. 

Mặt khác  là lối văn kể chuyện nên sự sắp xếp, bố trí không gian, thời gian, hành động, lời nói,... của người kể chuyện - cũng là tác giả - đôi khi khá tùy hứng, hoặc là có thể bỏ qua tất cả để đi theo mạch chuyện. Phát triển mạch chuyện đối với người dẫn chuyện là điều quan trọng nhất. Nắm bắt được mạch chuyện một cách vừa chặt chẽ vừa buông lơi như vậy đã làm nên sự cuốn hút, đọc là không bỏ xuống được trong các truyện ngắn của Alice Munro. 

 Biết là vậy, với bản dịch truyện ngắn Boys and Girls dưới đây, dịch giả cũng chỉ mong nối tiếp được cái phong thái nhẹ nhàng uyển chuyển kể của người dẫn chuyện. Truyện của Alice Munro không hề dễ dịch, dù  có thể dễ hiểu.  

Điều đó cũng khá giống với văn nghiệp của bà : viết truyện ngắn nhưng không ngắn, viết những điều bình thường nhưng không bình thường . Và rồi một ngày chúng ta nghe tin bà nhận giải Nobel 2013.  Người ta đã không nhận ra bà, hay là nhận ra bà quá muộn?  

Có ai đã nhận ra Boys and Girls từ gần 50 trước không ? Có thể có nhiều, có thể có ít, nhưng có một điều chắc chắn là các bạn đang cầm trên tay một bản dịch của truyện ngắn đó. Hãy thử xem, đọc xong các bạn có nhận ra Alice Munro không ? Đó là câu hỏi và cũng là câu trả lời của chính các bạn. Và tất nhiên là của chính tôi nữa. Trân trọng.

NĐH
6/2008 / viết lại 11/2013 
---------------------------------------------------------------------------------------------
Con trai con gái  ( phần 1 )
Alice Munro

Cha tôi từng là một người nuôi cáo.

Ông nuôi những con cáo xám bạc trong chuồng, rồi mùa Thu hay đầu mùa Đông, khi lông cáo vừa dày đẹp, ông giết chúng, lột những bộ da lông sống bán cho nhà Hudson's Bay, hay nhà Montreal Fur Traders.

Hai công ty này tặng chúng tôi những tờ lịch phong cảnh, mà chúng tôi treo hai bên cánh cửa nhà bếp - một nơi khá tương phản với cảnh tượng hùng vĩ của bầu trời thẫm xanh lạnh lẽo, những rừng thông mờ tối, những con sông phương Bắc kỳ bí, những cuộc thám hiểm sinh thái, với những lá cờ Anh, cờ Pháp được cắm xuống, và những người phu lực lưỡng đang còng lưng khuân vác.

Vài tuần trước lễ giáng sinh, sau bữa ăn tối, cha tôi làm việc ở tầng hầm, đó là một căn  phòng nhỏ quét vôi trắng, có một ngọn đèn trăm watt  chiếu sáng . Và trên đầu cầu thang dẫn xuống tầng hầm những đêm như thế, tôi và Laird - em trai tôi - vẫn thường ngồi chăm chú xem cha làm việc. Ông lôi ngược bộ da ra khỏi con vật- mà giờ đây, ngạc nhiên thay, đã trở nên tầm thường nhỏ bé như một con chuột, sau khi bị lấy đi bộ lông dày mượt đầy kiêu hãnh. Những xác cáo trần trụi, trơn tuột đó được gom vào một bao tải đem vứt trong đống rác.

Có lần, chú Henry Bailey, người làm công cho cha tôi, ném vào tôi một bao tải như vậy và la lên : "Quà Giáng Sinh nè ! ". Nhưng mẹ tôi thấy cái trò đó khá vô duyên. Nói thực ra thì bà chẳng ưa công việc lột da thú chút nào-  toàn là giết mỗ, lột da và xử lý lông thú- tất nhiên bà luôn cầu mong cái công việc đáng sợ ấy không diễn ra trong nhà bà nữa.

Khổ nhất là chuyện mùi. Sau khi tấm da được căng ra trên tấm phản dài, cha tôi còn phải tỉ mỉ kỳ cọ, nạo vét để loại cho bằng hết những cục máu đông, hay những giọt mỡ còn bám lại. Mùi mỡ mùi máu quyện vào nhau tạo nên cái mùi hăng hắc của loài chồn cáo, cứ như là thấm sâu vào mọi ngõ ngách của ngôi nhà. Nhưng tôi lại cho đó là cái mùi của mùa vụ, cũng bình thường như mùi tùng bách, hay mùi cam quýt vậy thôi.

Chú Henry viêm phế quản mãn. Chú thường có những cơn ho giật cục, ho cho đến khi khuôn mặt dài dài ốm ốm của chú đỏ ửng cả lên, và cặp mắt xanh, luôn ánh lên vẻ giễu cợt, ràn rụa những nước mắt; thế rồi chú nhấc cái nắp bếp lò lên, hơi ngã người lấy đà, rồi khạc vào đó một cục đàm đúng ngay vào giữa đám lửa, xèo một tiếng rõ to, làm chúng tôi phục lăn. Hay là cái trò làm dạ dày sôi réo lên theo ý muốn, và cả giọng cười nữa, cứ rít re rít re như huýt sáo, hoặc  đùng đục khùng khục như suối đổ, chắc là đều do căn bệnh đường hô hấp của chú mà ra. Nhiều khi chúng tôi cũng chả hiểu chú cười cái gì nữa,  không chừng chú đang cười chính chúng tôi cũng nên !

Cho tới tận bây giờ, chúng tôi như vẫn còn nghe thấy mùi của những con cáo, và cả giọng cười của chú Henry nữa, những điều đó làm chúng tôi luôn nhớ về một thế giới dưới chân cầu thang sáng đèn, an toàn, và ấm áp, một thế giới dường như đã thu nhỏ và tiêu biến mất rồi, hoặc là đang bềnh bồng trôi nổi đâu đó ở những tầng trên rệu rã rét mướt.

Những đêm mùa Đông, chúng tôi thấy sợ kinh khủng. Không phải sợ khung cảnh bên ngoài, dù trong năm, đây là thời điểm có nhiều tảng tuyết to tướng bao quanh nhà chúng tôi, trông như những con cá voi đang ngủ; không phải sợ cái điệp khúc rỉ rả thê lương rờn rợn của lũ côn trùng; cũng không phải sợ những cơn gió chướng thổi về từ đầm lầy băng giá, hay bãi tha ma hoang lạnh. Mà chao ôi, chúng tôi sợ vì phải ở trong nhà, ngay chính trong căn phòng chúng tôi ngủ !

Vào thời đó, tầng trên ngôi nhà của chúng tôi vẫn chưa xây xong. Một ống khói bằng gạch thô tháp nhô khỏi bức tường. Giữa sàn nhà là một lỗ hỗng hình vuông to tướng, có khung gỗ bao quanh, đó là chỗ dự kiến xây cầu thang. Ở về một bên của chiếc cầu thang dự kiến đó, là nơi chứa toàn những thứ không ai cần tới nữa - một cuộn vải dầu của quân đội dựng đứng trong cùng, một khung xe ngựa làm bằng gỗ cây liễu gai, một giỏ dương xỉ, vài cái bình và chậu sứ bị nứt, một bức tranh về chiến tuyến Balaclava, một quang cảnh trông thật hắt hiu buồn thảm.

Tôi đã kể với Laird, ngay khi nó vừa đủ lớn để hiểu những điều tôi nói, rằng luôn có những con dơi gớm ghiếc và những bộ xương người ma quái lẫn khuất đó đây, và bất cứ khi nào có một tên tù nào đào thoát khỏi một nhà tù địa phương cách đó hai mươi dặm, thì tôi lại tưởng tượng là, bằng cách nào đó, y đã lẻn được vào nhà qua ngã cửa sổ, và đang ẩn nấp đằng sau cuộn vải dầu.  Tuy nhiên, chúng tôi cũng rút ra được những " bí quyết ", hay những " kinh nghiệm " để đảm bảo an toàn cho chính chúng tôi !

Đại khái là, chừng nào đèn còn sáng thì chúng tôi còn bình an vô sự, miễn là đừng bước ra khỏi tấm thảm vuông trải sàn, khoảng không gian giới hạn khu vực phòng ngủ của chúng tôi; nhưng khi đèn đã tắt thì chẳng còn nơi nào có thể gọi là an toàn được nữa, ngoại trừ chính những chiếc giường chúng tôi nằm. Vì vậy, mỗi khi tắt đèn, tôi phải lom khom ở cuối giường, vươn tay ra hết cỡ để giật sợi giây công tắc.

Và khi bóng tối bao trùm, thì mỗi đứa chúng tôi đều đã an vị trên giường mình - tức là trên chiếc bè cứu sinh thu nhỏ của chúng tôi - nhưng mắt chúng tôi không làm sao mà rời khỏi được quầng sáng lờ mờ hắt lên từ phía lỗ hỗng sẽ làm cầu thang, rồi chúng tôi hát lên cho đỡ sợ. Gần như lúc nào thằng Laird cũng hát bài " Jingle Bells", bất kể có là Giáng Sinh hay không, còn tôi thì hát bài " Danny Boy ".

Tôi thích nghe giọng hát của chính mình, vang lên trong đêm tối, dù chỉ là một chất giọng mỏng manh, nghe có chút van nài cầu khẩn. Chúng tôi tưởng tượng ra đủ thứ hình thù cổ quái lênh khênh buốt giá đi qua bên khung cửa sổ âm u nhợt nhạt. Và nhiều khi hát đến đoạn "Người sẽ quỳ xuống và nói lời Ave trên thân xác tôi ...", thì không phải là tấm chăn lạnh giá, mà những cảm xúc bâng khuâng mơ hồ nào đó đã khiến tôi phải nghẹn lời. Lời Ave là lời gì nhỉ ? Lần nào cũng thắc mắc, nhưng rồi lần nào tôi cũng chẳng nhớ việc phải tìm câu trả lời cho câu hỏi đó !

Laird nghêu ngao hát một hồi rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay, và tôi có thể nghe thấy tiếng khò khò đều đặn kéo dài đầy mãn nguyện của nó. Giờ thì chỉ còn lại mình tôi, thời gian riêng tư tuyệt nhất của tôi, thời gian tuyệt nhất trong ngày của tôi, và tôi cuộn mình thật chặt trong chăn, miên man với những câu chuyện mà hàng đêm tôi vẫn thường tự kể cho mình nghe.

Đó là những câu chuyện về tôi, nói đúng hơn là về tôi, khi tôi đã lớn khôn hơn chút nữa, những câu chuyện xảy ra trong một thế giới, theo hình dung của tôi, hiện hữu nhiều cơ hội cho sự dũng cảm, mạnh mẽ và hy sinh - những điều không hề có trong thế giới tôi sống hôm nay.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét