Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Về ca từ trong bản nhạc SINCE I LET YOU GO của Vương Đằng

Về ca từ trong bản nhạc SINCE I LET YOU GO

của Vương Đằng

Dẫn nhập: Gần 30 năm trước, lão sư Vương Đằng viết bản nhạc Tiếng Anh có nhan đề SINCE I LET YOU GO. Tác giả bài viết này chưa được tiếp cận với ký âm của bản nhạc. Tuy nhiên đây là một bài hát có ca từ là một bài thơ rất đặc biệt, có nhiều cách hiểu, nhiều tầng thẩm thấu khác nhau tùy theo cảm thụ của mỗi người. Bởi vậy tưởng chư vị độc giả xa gần cũng nên ghé qua bài bình dưới đây để cùng thưởng thức cái thi vị của một trong những bài thơ – nhạc, mà theo tôi có lẽ ấn tượng nhất của lão sư Vương Đằng.



SINCE I LET YOU GO

Since I let you go:
My life has lost its souls;
Flowers were not blooming in the spring;
Summer was terribly hot;
Fall brought to me no thought;
And winter has resembled my way of life a lot;

Since I let you go:
My joy of music has lost its flow;
There is no more dancing
Because I have no compatible partner;
Now I realize you were a good dancer;
And I have bought no tape for music listening.

Since I let you go:
My home has lost its souls;
My heart has not hung at its door;
Why should I be in a hurry
To be home then being lonely
Because nobody is expecting me
And no one I am looking for!Vương Đằng (1984)

Bản dịch nghĩa của Hoàng Anh Dũng


TỪ NGÀY TÔI ĐỂ EM ĐI


Từ ngày tôi để em đi rồi
Cuộc sống tôi như lạc mất linh hồn
Hoa không nở trong mùa Xuân
Mùa Hạ nắng như thiêu đốt
Mùa Thu không mang đến ý nghĩa gì
Và mùa Đông rất giống với đường đời tôi đi
Từ ngày tôi để em đi rồi
Lòng yêu thích âm nhạc của tôi không còn tuôn chảy
Tôi không còn ca múa nữa
Bởi vì không còn bạn nhảy
Giờ tôi mới nhận ra em chính là vũ công tuyệt vời
Và tôi chẳng thiết mua băng nhạc về để nghe

Từ ngày tôi để em đi rồi
Ngôi nhà tôi như mất linh hồn
Trái tim tôi không còn treo ngoài khung cửa
Sao tôi lại phải vội vã về nhà
Bởi về nhà là cô đơn
Bởi không còn ai mong đợi tôi về
Và không còn ai để tôi ngóng trông.





Bản dịch thơ của nhà thơ TRÍ THU:


Từ tôi để em xa 
 Nao lòng buổi ấy chia tay
Hồn khô tàn úa nhạt phai cõi đời
Hoa kia biếng nở xuân rồi
Hạ thêm đổ lửa, thu hờ ý thu
Đường đông sương giá mịt mù
Đường đời tôi lạnh gió lùa trải ngang
Mối tình trót đã ly tan
Trong tôi tiếng nhạc hồng hoang âm tàn
Vũ với ai lúc thiếu nàng
Nghe đâu thêm được khúc vàng thắm hơn
Chia lìa đâu phải giận hờn
Bên thềm mái ấm phai hương em rồi
Trái tim mở khép hững hờ
Cô đơn biết đợi mong chờ tin ai.Trí Thu -2009


BÌNH:
 
Như trên đã nói ca từ trong bài nhạc nói trên cũng là một bài thơ. Nhưng là một bài thơ nhiều tầng nghĩa. Và tùy theo cách cảm nhận mà mỗi người có thể có những cách hiểu khác nhau. Chỉ với 3 đoạn, 19 câu ngắn ngủi, bài thơ đã chuyển tải được một khung trời giao hòa hiện tại, quá khứ và tương lai của một chuyện tình. Theo nguyên bản, chúng ta có thể tóm tắt đại ý của bài thơ như sau: “Bài thơ nói về một nỗi ân hận muộn màng của một chàng trai. Vì một lý do nào đó, chàng trai đã để mặc cho người con gái bỏ đi, tưởng là chuyện bình thường, ngờ đâu sau dạo đó chàng đã như một người mất linh hồn, không còn cảm xúc âm nhạc, và ngôi nhà xưa cũng không còn sự sống. Năm tháng trôi qua chàng vẫn đợi. Chàng vẫn không quên được người năm xưa”.

Tác giả Vương Đằng đã thay mặt chàng trai nói lên những suy nghĩ đó.

Đoạn 1
Nhan đề Since I let you go, tưởng là đơn giản, nhưng thực ra đó là một nhan đề có dụng ý tu từ rất tuyệt! Với nhan đề này, tác giả đã rất khéo léo nói lên lỗi lầm đầu tiên thuộc về ai, nói nôm na là: chàng trai đã để mặc khi nàng dợm đi. Và nàng đã đi thật. Ôi! Nếu chàng trai chịu “xuống nước’’ một chút, hoặc giả là nàng không cố tình đicho “đã nư” thì mọi chuyện giờ đây có lẽ đã khác.
Sau cuộc chia tay, Vương Đằng đã cho biết chàng trai hầu như đã “trơ” với mọi thay đổi của đất trời vạn vật, của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đây dường như là một mô tuýp miêu tả cổ điển. Tuy nhiên không hoàn toàn như vậy. Đó là nếu như trong Hạ Trắng, cùng với một tâm trạng tương tự, Trịnh Công Sơn đã “gọi nắng”:

Gọi nắng cho vai em gầy
Đường xa áo bay …


Thì ở đây mùa Hạ lại “ngập nắng”! Nắng chói chang! Nắng kinh khủng! Và nếu như, với nhiều thi nhân khác, mùa Thu là mùa luôn mang nhiều “thông điệp”, như Lưu Trọng Lư với Tiếng Thu:

Em có nghe mùa Thu
Dưới trăng mờ thổn thức ….


thì mùa Thu ở đây lại là “no though – không ý nghĩa” gì! Với nhiều thi nhân khác, mùa Đông thường dùng để chỉ cái cô đơn giá lạnh trong một khoảnh khắc, một thời điểm hay một khoảng thời gian nào đó, còn với Vương Đằng thì các mùa Đông sau chia tay đã trở thành con đường đời hun hút lạnh của chàng. Vương Đằng quả thực đã “cho” chàng trai một nỗi đau “nặng” hơn bình thường nhiều lắm các bạn ạ !

Đoạn 2
Đoạn này cho thấy chàng trai – cô gái ngày xưa đã từng là một cặp đôi đồng điệu về ca hát. Đã có những vũ khúc cùng nhau. Giờ xa nhau chàng mới thấy rằng hóa ra mình cũng đã “chia tay” luôn với cảm xúc âm nhạc. Có lẽ sau dạo đó, chàng cũng đã từng khiêu vũ với nhiều với giai nhân khác, nhưng kịp nhận ra rằng “good dancer” vẫn là người năm xưa.

Kết đoạn 2 là một câu, thoạt nghe rất bình thường, và có thể là phần nào không văn chương bóng bẩy bằng các câu trên:
And I have bough no tape for music listenin.

Ngang qua cửa hàng băng dĩa, chàng không còn thiết vào mua. Tại sao? Phải chăng âm nhạc trong lòng chàng đã nguội lạnh? Hay là chàng sợ cửa hàng đó gợi những kỷ niệm? Có thể là sợ những người quen cũ sẽ nhận ra và hỏi nàng đâu? Hay là sợ không còn bài hát nào hay hơn những bài hát mà cả hai cùng nghe dạo nào? Hay là sợ phải nghe lại những bản nhạc ngày xưa?....

Tôi (HAD) nghĩ là tất cả những điều nói trên, mà câu thơ trên mô tả chính là những nỗi sợ! Vâng, những nỗi sợ rất đẹp, và rất não nùng!

Ngày xưa nhà thơ Lê Thị Kim cũng đã có một bài thơ hiếm hoi: bài Hoa Ngâu diễn tả hết sức tinh tế cái cảm xúc sợ, cái sợ đau đớn đến xót xa và xúc động:Em có chồng rồi ta vắng nhau

Một hôm chợt gặp giữa vườn Ngâu
Em đi bước nhẹ hơn ngâu rụng


Sợ chạm lòng ai những nỗi đauBước đi nhẹ hơn ngâu rụng! Nghe mới đau đớn biết chừng nào! Bởi vậy, trở lại với câu thơ trên: And I have bough no tape for music listening, chúng ta phải thấy rằng đó chính là một câu thơ ẩn dấu, gói ghém được cả một nỗi niềm đau mênh mang. Và đó lại là một sáng tạo của Vương Đằng.

Đoạn 3
Đoạn này cho biết kể từ dạo nàng ra đi, căn nhà của chàng đã trở nên hoang vắng, không còn sức sống, không còn linh hồn. Những thắc thỏm của những buổi hẹn hò, của những đêm bên khung cửa chờ nàng đến, nàng về, đã không còn nữa. Chàng đi đâu không còn thiết về vội, bởi căn nhà chứa đầy nỗi cô đơn. Nơi đó chàng biết không còn ai mong đợi mình, và chàng cũng không còn ai để đón đưa. 

Câu thơ: My heart has not hung at its door, nếu ai đã từng lỡ một cuộc tình có lẽ họ luôn hiểu “trái tim treo ngoài khung cửa” là như thế nào. Và đó chính là câu thơ mà thoạt nghe tưởng bình thường, nhưng thực sự chính là một “tiếng nói âm thầm của tình yêu thất lạc”.

Thơ Vương Đằng là như thế, luôn cất dấu những tâm tình rất sâu. Bởi vậy đọc thơ Vương Đằng là cần sự im lặng và chiêm nghiệm. Tác giả bài viết này cũng hiểu rằng không dễ thẩm thấu được trọn vẹn thơ Vương Đằng, nhất là trong bài thơ Since I let you go nói trên, Vương Đằng đã cất dấu niềm tâm sự qua một lớp khóa thứ hai – viết bằngTiếng Anh. Tuy nhiên, tác giả bài viết này với trải nghiệm của mình cũng thử trình cùng quý vị độc giả gần xa một bản dịch như sau:

TỪ DẠO ĐỂ EM ĐI

Từ dạo để em đi
đời tôi thành hư không
Xuân Hạ Thu rồi Đông
mùa hoa không về nữa
mùa chỉ còn nắng lửa
mùa biền biệt ý tình
mùa chìm trong băng giá

Từ dạo để em đi
nhạc lòng thành khô hạn
vắng bạn nhảy năm nào
lòng sầu sao hát múa
tim tôi luôn chất chứa
những nhạc thời xa xưa
bây giờ tìm đâu nữa!

Từ dạo để em đi
nếp nhà thành hiu hắt
lòng mãi còn se thắt
thuở tựa cửa chờ nhau …
tôi chẳng vội về đâu
nhà tôi giờ bên ấy
có ai người tôi đợi
có ai đợi tôi về …

HAD

Xin chúc mừng nhà thơ Vương Đằng, vì thầy đã góp rất nhiều sáng tạo thanh cao cho cuộc đời này - không chỉ là thi ca – âm nhạc. Rất nhiều bạn xưa của tôi – thế hệ của những năm 50-60-70 - đã nghẹn ngào với những bài thơ của thầy. Tôi chỉ là kẻ viễn phương được thơm lây trên đường vạn dặm, bởi một hôm, như tình cờ của Duyên, ghé qua Vương Đằng Viên. Vạn hạnh!Hoàng Anh Dũng - 6/2012

0 nhận xét:

Đăng nhận xét